Ukraine trước con đường bản địa hóa và hội nhập với quốc phòng phương Tây
Theo Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu (EUISS), Ukraine ngày càng ở thế phòng thủ khi cuộc xung đột với Nga tiếp tục bước sang năm thứ 3. Kiev đang phải vật lộn với tình trạng thiếu quân và trang thiết bị cần thiết để bảo vệ tiền tuyến cũng như các thành phố lớn khỏi các cuộc không kích của Nga. Trong khi đó, sự hỗ trợ của phương Tây, vốn rất quan trọng đối với quốc phòng của Ukraine, lại dễ bị tổn thương trước những thay đổi chính trị.
Để lật ngược tình thế, Ukraine trước hết cần rất nhiều súng và đạn dược. Hiện tại, Kiev vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vũ khí của phương Tây. Đồng thời, việc duy trì dòng viện trợ quân sự trực tiếp vẫn rất cần thiết - đặc biệt là đối với các hệ thống phòng không tiên tiến, tên lửa tầm xa và đạn pháo tiêu chuẩn NATO. Trong trung hạn, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine có chung lợi ích chiến lược trong việc hỗ trợ sự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng đang mở rộng nhanh chóng của Ukraine.
Bản địa hóa và hội nhập với phương Tây
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine được thừa hưởng một ngành công nghiệp quốc phòng lớn. Vào thời kỳ đỉnh cao, lực lượng lao động lên tới 1 triệu người đã đóng góp 30% sản lượng vũ khí của Liên Xô với thế mạnh đặc biệt là đóng tàu, động cơ máy bay, xe bọc thép và tên lửa. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tiếp theo, khả năng cạnh tranh đã giảm mạnh do thiếu đầu tư, tham nhũng lan rộng và can thiệp chính trị.
Ukraine đã đổ rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp quốc phòng vì hy vọng với số vũ khí và đạn dược “cây nhà lá vườn” các lực lượng Kiev có thể lật ngược tình thế. Ảnh: AP |
Cuộc khủng hoảng năm 2014 đã đánh dấu bước ngoặt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Nó làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu quan trọng (với 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trước đây là sang Nga) và khiến hơn 20 công ty con của Ukroboronprom, nhà sản xuất quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, phải ở lại các vùng lãnh thổ diễn ra xung đột.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào năm 2022 đã thúc đẩy sản lượng tăng vọt đáng kể để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đến năm 2023, Ukraine đã tăng gấp 3 lần sản lượng vũ khí, bao gồm xe bọc thép, pháo và đạn dược hạng nặng, tên lửa, thiết bị bay không người lái, hệ thống phòng không và khả năng tác chiến điện tử. Tốc độ sản xuất tăng lên đi đôi với việc cải cách cơ sở công nghiệp. Ukroboronprom sau đó được chuyển đổi vào năm 2023 thành Công nghiệp Quốc phòng Ukraine (UDI), một công ty cổ phần với mô hình quản trị và cơ cấu doanh nghiệp mới.
Vào năm 2024, Ukraine đã tăng cường đáng kể cam kết quốc phòng với việc phân bổ 1,37 tỷ Euro để phát triển căn cứ quốc phòng - tăng gấp 7 lần so với năm trước. Kiev cũng tổ chức diễn đàn công nghiệp quốc phòng quốc tế đầu tiên, thành lập liên minh công nghiệp quốc phòng quốc tế, thành lập quỹ quốc phòng chuyên dụng để kích thích đầu tư và cam kết cung cấp các điều kiện đặc biệt cho các công ty bản địa hóa sản xuất tại Ukraine.
Ngoài UDI, cơ sở công nghiệp quốc phòng Ukraine còn gồm khoảng 400 công ty tư nhân, trong đó có không dưới 200 công ty sản xuất UAV. Để tăng cường hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng ở Ukraine, EU và các quốc gia thành viên nên ưu tiên 2 lĩnh vực trọng tâm chính như những yếu tố không thể thiếu trong các cam kết an ninh dài hạn.
Thứ nhất, EU hỗ trợ việc tăng cường sản xuất bản địa hóa cũng như các cơ sở sửa chữa và bảo trì ở gần tiền tuyến hơn. Thứ hai, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp Ukraine hội nhập từng bước vào Cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng châu Âu (EDTIB).
Như vậy, với nguồn lực đáng kể, cả về thời gian và tiền bạc, hiện đang được sử dụng để vận chuyển thiết bị của phương Tây từ tiền tuyến đến các kho sửa chữa ở Ba Lan, Slovakia hoặc Cộng hòa Séc. Nếu có thêm nhiều xe bọc thép và pháo của phương Tây được bảo trì và sửa chữa ở Ukraine thì số thiết bị đó có thể được đưa trở lại tiền tuyến nhanh hơn nhiều và với chi phí thấp hơn.
Ngoài ra, một số công ty phương Tây đã có mặt ở Ukraine và tuyển dụng nhân lực chuyên môn tại địa phương. BAE Systems đã mở văn phòng tại Kiev vào tháng 8/2023 và cuối năm đó hợp tác với công ty bảo trì AMS để cung cấp dịch vụ sửa chữa và hỗ trợ tại Ukraine cho các hệ thống pháo do BAE sản xuất được Vương quốc Anh tài trợ.
This browser does not support the video element.
Tương tự, vào tháng 10/2023, một gã khổng lồ quốc phòng châu Âu khác là Rheinmetall đã thành lập liên doanh với UDI để bảo trì và sửa chữa xe bọc thép ở Ukraine. Trong khi đó, công ty Flensburger Fahrzeugbau của Đức được cho là đang xây dựng ở Ukraine trung tâm sửa chữa xe tăng Leopard 1.
Bất chấp những nỗ lực sản xuất đáng kể của Ukraine, vẫn có một số lĩnh vực quan trọng mà sản xuất bản địa hóa cần được hỗ trợ thêm. Ưu tiên hàng đầu là thiết lập năng lực sản xuất hàng loạt đạn pháo, đặc biệt là loại đạn 155 mm theo tiêu chuẩn NATO.
Củng cố ý thức về cộng đồng an ninh
Theo giới chuyên gia, bản địa hóa sẽ tăng cường sức mạnh chiến đấu của Ukraine trong khi sự hội nhập sâu hơn của Ukraine vào EDTIB cũng sẽ củng cố ý thức về cộng đồng an ninh giữa các bên tham gia. Sự hỗ trợ của EU đối với việc bản địa hóa sản xuất ở Ukraine cũng sẽ là một khoản đầu tư vào an ninh của các quốc gia thành viên và cải thiện vị thế của các ngành công nghiệp trong bối cảnh thị trường quốc phòng địa phương đang nhanh chóng trở nên cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trở ngại đối với việc đẩy mạnh bản địa hóa và hội nhập.
Hoạt động sản xuất vũ khí nội địa gần là "lối thoát" của Ukraine trong tình trạng thiếu hụt đạn dược trầm trọng trên chiến trường. Ảnh: AP |
Bảo vệ cơ sở hạ tầng sản xuất quốc phòng là điều tối quan trọng. Do đó, việc phân tán và che giấu có thể giúp bảo vệ các cơ sở này, nhưng lực lượng phòng không Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh chặn thiết bị bay không người lái và tên lửa của Nga. Như vậy, EU phải làm nhiều hơn nữa để giúp Ukraine xây dựng hệ thống phòng không càng sớm càng tốt.
Để bù đắp một số rủi ro khi đầu tư vào Ukraine, các quốc gia thành viên có thể cung cấp “cơ chế bảo hiểm rủi ro chiến tranh”, mà Pháp và Anh được cho là đã hình dung sơ bộ, để bảo đảm cho các công ty quốc phòng phương Tây, vì các công ty bảo hiểm toàn cầu thường loại trừ các quốc gia có chiến tranh khỏi danh sách. Các liên doanh được bản địa hóa tại các quốc gia thành viên gần Ukraine cũng có thể được hỗ trợ. Ngoài ra, chuỗi cung ứng sản xuất cả nguyên liệu thô và linh kiện cũng cần được đảm bảo.
Bất chấp tốc độ tăng trưởng đột biến gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân và nhà quản lý có trình độ, môi trường pháp lý không đầy đủ cũng như tham nhũng và rủi ro gián điệp công nghiệp cản trở việc chuyển giao công nghệ của phương Tây.
Tuy nhiên, ngoài những hạn chế của EU về tài chính, các quốc gia thành viên còn áp đặt hạn chế và rào cản quan liêu liên quan đến chuyển giao công nghệ. EU và các quốc gia thành viên nên ưu tiên đánh giá chung về những hạn chế này và cắt giảm quan liêu ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào có thể để giúp việc cấp vốn và chuyển tiền trở nên dễ dàng hơn.