Tỷ giá và lãi suất vơi dần áp lực, song lạm phát vẫn còn căng thẳng
Đó là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam từ này đến cuối năm 2024 và trong năm 2025.
Áp lực tỷ giá và lãi suất đã vơi dần
Phát biểu tại Hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming cuối tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Jerome Powell đã nói rõ rằng, cơ quan này sẽ không ngần ngại cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tới.
Trích dẫn các dữ liệu kinh tế cho thấy, lạm phát tại Mỹ tiếp tục “hạ nhiệt” dần về mức mục tiêu 2% của FED, trong khi thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ông Powell cho biết, đã đến lúc chính sách tiền tệ của FED phải điều chỉnh và nhấn mạnh thêm rằng FED sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ thị trường lao động.
Đồng USD đã giảm mạnh sau phát biểu của Chủ tịch FED do thị trường kỳ vọng FED sẽ thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 17 - 18/9 tới. Chỉ số USD hiện đang xoay quanh ngưỡng 100,9, giảm hơn 5% so với mức đỉnh của năm thiết lập hồi giữa tháng 4/2024.
Với diễn biến “hạ nhiệt” của lạm phát và thị trường lao động Mỹ trong các tháng gần đây, thị trường hiện đang đặt kỳ vọng cao hơn vào khả năng FED thực hiện cắt giảm lãi suất trong cả 3 cuộc họp cuối cùng của năm nay. Theo các nhà phân tích, xu hướng giảm giá của đồng USD sẽ làm giảm áp lực đối với tỷ giá và cả lãi suất ở Việt Nam.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết, VND có thể phục hồi trong những tháng cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của nhân dân tệ và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của FED được chú trọng.
“Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ tăng dần so với USD lên 25.200 VND/USD trong quý III/2024, 25.000 VND/USD trong quý IV/2024, 24.800 VND/USD trong quý I/2025 và 24.600 VND/USD trong quý II/2025” - ông Suan Teck Kin nhận định
Bên cạnh xu hướng giảm giá của đồng USD, tỷ giá trong nước còn nhận được sự hỗ trợ tích cực nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế nước dồi dào. Theo đó, cán cân thương mại 7 tháng thặng dư tới hơn 14 tỷ USD, giải ngân vốn FDI cũng đạt hơn 12,5 tỷ USD, đó là chưa kể nguồn thu từ du lịch, kiều hối.
Kỳ vọng VND sẽ tăng dần so với USD lên 25.200 VND/USD trong quý III/2024 |
Viễn cảnh đó được không ít các nhà phân tích nhận định, sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước duy trì nới lỏng tiền tệ. “Áp lực tỷ giá giảm bớt sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giữ mặt bằng lãi suất điều hành ở mức hiện tại” - Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - nhận định.
Tương tự, ông Suan Teck Kin - cho rằng, do tỷ giá hiện giảm, nên Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát.
Thực tế, trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã vơi bớt, kể từ đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một loạt các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Cụ thể, lãi suất kênh cho vay cầm cố (OMO) đã giảm 25 điểm cơ bản xuống mức 4,25% vào hồi đầu tháng, đồng thời kỳ hạn được tăng từ 7 ngày lên 14 ngày vào phiên ngày 26/8.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất tín phiếu ba lần trong tháng này với mức giảm tổng cộng là 35 điểm cơ bản xuống mức 4,15% và dừng phát hành tín phiếu từ phiên ngày 26/8.
Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán MB (MBS), tất cả những động thái trên cho thấy định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn.
Tính đến ngày 26/8, tổng giá trị tiền ròng Ngân hàng Nhà nước bơm vào hệ thống ước khoảng 322.700 tỷ đồng với mức lãi suất 4,25 - 4,5%, kỳ hạn 7 - 14 ngày, trong đó bao gồm 158.300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Cùng với đó có khoảng 22.000 tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 9.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã giảm nhẹ từ mức 4,5% vào hồi đầu tháng về mức 4,3% vào ngày 26/8, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần tới 1 tháng hiện dao động từ 4,3 - 4,4%.
“Mặc những nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn neo cao trên ngưỡng 4%, một phần do chịu áp lực thanh khoản khi tăng trưởng tín dụng đang phục hồi trở lại” - MBS cho hay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng tăng 6,63% so với cuối năm 2023. Giới chuyên gia đều cùng cho rằng, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
“Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn” - MBS dự báo.
Dù tỷ giá đã hạ nhiệt và không còn nhiều lo ngại, nhưng căng thẳng vẫn còn ở lạm phát |
Căng thẳng chỉ còn ở lạm phát
Dù tỷ giá đã hạ nhiệt và không còn nhiều lo ngại, nhưng các chuyên gia cho rằng, căng thẳng vẫn còn ở lạm phát. Ông Suan Teck Kin cảnh báo, CPI đang ở mức khá cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 đã tăng 4,36% so với cùng kỳ, ngay dưới mức trần 4,5%.
“Với diễn biến lạm phát như vậy, ngân hàng trung ương khó có thể hạ lãi suất trong 6 tháng nữa” - ông Suan Teck Kin nhận xét. Chuyên gia cũng cho rằng, áp lực lạm phát vẫn sẽ duy trì trong thời gian tới. “Đặc biệt, càng về cuối năm, hiệu ứng nền sẽ khiến lạm phát duy trì ở mức cao” - ông nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về CPI, ông Suan Teck Kin cho biết, lạm phát toàn phần đi lên nhưng lạm phát lõi lại đang khá thấp. Hai yếu tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát toàn phần là thực phẩm và nhà ở, trong khi chi phí vận tải (đại diện cho giá nhiên liệu) không tăng nhiều.
“Vào giai đoạn xung đột Ukraine, chi phí vận tải từng là yếu tố thúc đẩy CPI nhưng đến nay thì đã không còn ảnh hưởng quá lớn” - Chuyên gia UOB cho hay. Theo chuyên gia, với hai lĩnh vực thực phẩm và nhà ở, Chính phủ cần có những động thái bình ổn. Chẳng hạn, có thể tìm cách tăng thêm nguồn cung thịt, rau… và hỗ trợ hoạt động xây dựng, giúp nguồn cung nhà ở nhiều hơn.