Tuyên Quang: Xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP
Tuyên Quang là một trong các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng số lượng các sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt cao. Tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với việc đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee… Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại tại Tuyên Quang còn nhiều hạn chế, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tại khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, Sở Công Thương Tuyên Quang tổ chức nhiều gian hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng của địa phương. |
Nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng cũng như sản phẩm OCOP trên địa bàn, Sở Công Thương Tuyên Quang cùng các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối, quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp đến các địa phương trên cả nước và mở rộng ra các thị trường ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang cũng kêu gọi đầu tư, cải thiện các kênh thương mại và chợ truyền thống; đồng thời, phát triển mới các kênh thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân cả nước đối với nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn.
Hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương; thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ổn định, bền vững.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 240 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Hiện nay, đã có 100% sản phẩm được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch, đóng túi/hộp sang trọng và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong nước, hướng tới thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng của Tuyên Quang cũng sẽ cần nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ sản lượng, sản xuất phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng; các chủ thể OCOP cần phân định rõ các khâu trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm (gồm 3 phân khúc sản xuất – chế biến – tiêu thụ). Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giảm áp lực mùa vụ, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.