Chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai
Theo thống kê, đến ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 5 người chết, 10 người bị thương; hơn 20.400 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 82 nhà bị đổ sập hoàn toàn.
Hơn 10.100ha lúa, hoa màu, cây trồng hằng năm, lâu năm, cây ăn quả, rừng trồng bị ảnh hưởng, gãy, đổ; hàng nghìn vật nuôi khác bị chết, cuốn trôi; 499ha diện tích nuôi cá và 527 lồng nuôi cá bị thiệt hại. Về giao thông, có 315 điểm đường giao thông bị sạt lở, 4 cây cầu bị hư hỏng; 526 cột điện các loại bị gẫy, đổ; 7 trạm điện, 119 trạm viễn thông mất liên lạc và 112 cột viễn thông bị hư hỏng. Hơn 4.000m kè, 15.437m kênh mương, 38 cống, 62 đập thủy lợi, 1 trạm bơm bị hư hỏng; 6 sự cố về đê, kè, trong đó nguy hiểm nhất là sự cố vỡ đê tại xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương... Ước tính thiệt hại 1.890 tỷ đồng.
Thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa bị ngập cục bộ do mưa lũ sau khi thủy điện Tuyên Quang mở đồng loạt 8 cửa xả đáy. Ảnh: CT |
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cũng đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do bão số 3. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để thực hiện việc cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Đến ngày 3/10, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận được hơn 99 tỷ đồng tiền mặt; 470 tấn nhu yếu phẩm từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh thành phố, các tổ chức, cá nhân và kiều bào ở nước ngoài.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa, lũ, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu: Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để bố trí tái định cư bảo đảm an toàn cho người dân, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
"Tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi để nhân dân phục hồi sản xuất. Tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm. Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi,..." Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.
Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, các công trình thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học...
Tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh
Vượt qua mọi khó khăn thách thức do chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt 23.730 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, rất may, trong đợt bão lũ vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn không bị ảnh hưởng nhiều, cơ bản ổn định.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: Bộ CHQS Tuyên Quang |
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm, ngành tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc của các dự án công nghiệp nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện.
Đồng thời, tập trung quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; sớm khởi công Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn và điều chỉnh, mở rộng quy hoạch khu, cụm công nghiệp...
Theo báo cáo Sở Công Thương Tuyên Quang, các chỉ tiêu chủ yếu về công nghiệp, thương mại của Tuyên Quang ước thực hiện 9 tháng đầu năm cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt trên 17.800 tỷ đồng, bằng 75,3% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,4 triệu USD, bằng 72,6% kế hoạch năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tăng trưởng tích cực trong hoạt động sản xuất công nghiệp của địa phương.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt 23.730 tỷ đồng. Ảnh: CT |
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế của địa phương trong quý IV/2024, ông Nguyễn Văn Sơn, cho biết, do khó khăn trong quý III, đặc biệt là những thiệt hại do hoàn lưu cơn bão số 3, ảnh hưởng lớn tới kinh tế nông nghiệp, tác động tới các hoạt động sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn. Điều này dự báo tốc độ tăng trưởng giảm trong quý IV, dẫn đến tốc độ tăng trưởng cả năm có khả năng đạt thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng năm 2024 đề ra với mức tăng trưởng (GRDP) tăng 9,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, mới đây, tỉnh Tuyên Quang ban hành Văn bản số 4903/UBND - KT ngày 23/10/2024 về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo và giao trách nhiệm: UBND huyện, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp, đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp, khôi phục đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ theo quy định của pháp luật để người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, nguồn cung vật tư đầu vào cho sản xuất và hàng hóa nông sản trên địa bàn, chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, lợi dụng để trục lợi.
Chủ động đôn đốc, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm còn dư địa phát triển (ngô sinh khối; rau, đậu các loại...), nhằm bù đắp sản lượng bị sụt giảm do ảnh hưởng của thiên tai. Tăng cường thực hiện các mối liên kết sản xuất, chủ động liên hệ, tìm nguồn tiêu thụ nông sản ổn định để định hướng chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có sự tham gia của doanh nghiệp vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở hướng dẫn Nhân dân trồng, chăm sóc cây trồng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống vật tư nông lâm nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các địa phương, cơ sở sản xuất, cung cấp giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, trang thiết bị, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định để người dân yên tâm khôi phục sản xuất.