Tuyên ngôn độc lập: Sức sống trường tồn cùng thời đại
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở châu Á.
Áng văn bất hủ
Nhắc đến bản Tuyên ngôn độc lập, PGS.TS Trần Ngọc Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - nhấn mạnh, bản Tuyên ngôn độc lập vẫn vẹn nguyên giá trị lớn lao. Sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người - mục tiêu, lý tưởng mà bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều mong muốn và hướng đến.
Các hiện vật ngày 2/9/1945 lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Theo PGS.TS Trần Ngọc Long, bản Tuyên ngôn độc lập là sự kế thừa và phát triển quyền tự chủ của người dân nước Việt qua hàng nghìn năm lịch sử và sự kết tinh giá trị nhân văn cao cả của nhân loại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được qua những tháng năm bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước. "Đây thực sự là một áng văn bất hủ khẳng định quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc" - PGS.TS Trần Ngọc Long nhấn mạnh.
Năm 1945, thấm nhuần sâu sắc tinh thần và tư tưởng của các bậc tiền nhân cùng với sự tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của thế giới, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
"Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh" - PGS.TS Trần Ngọc Long nhấn mạnh. Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789: "Người ta sinh ra được tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
PGS. TS Trần Ngọc Long phân tích, trong những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã được tiếp cận với các Tuyên ngôn của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Người đã tìm thấy trong các văn kiện quan trọng đó tư tưởng về quyền bình đẳng, quyền tự do và chính điều này đã thực sự gây cho Người ấn tượng sâu sắc. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập bằng những mệnh đề bất hủ của cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp. "Chỉ có điều khác là, trong khi tuyên ngôn của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp chỉ dừng lại ở việc khẳng định quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, thì trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự phát triển rất sáng tạo về mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc" - PGS. TS Trần Ngọc Long nhận định.
Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
Ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm, đối với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - luôn là thời khắc mang lại những cảm xúc khó quên. Ông chia sẻ, Quốc khánh năm 2021 là lần đầu tiên, sau rất nhiều năm kể từ ngày đất nước thống nhất, chúng ta không được hưởng niềm vui trọn vẹn trong thời khắc đất nước hòa bình, nhân dân đã trải qua một ngày 2/9 thật đặc biệt do dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, chính trong giai đoạn khó khăn chưa từng có trước kẻ thù vô hình, tinh thần đoàn kết, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội của mỗi người dân được bộc lộ đậm nét và đây chính là cách để nhân dân cả nước đồng tâm cùng đất nước vượt qua thử thách. Ngày Quốc khánh 2/9 đã giúp chúng ta nhận ra thông điệp quan trọng: Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẻ chia của dân tộc đã tạo ra sức mạnh của tình yêu nước, để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những gian nan, khốc liệt nhất, ngay cả dịch bệnh.
Dẫn lời Bác Hồ đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ thêm, ngày Quốc khánh 2/9 chính là thời điểm để chúng ta nghĩ nhiều hơn về sức mạnh ấy, có thêm quyết tâm hơn để củng cố, bồi đắp và phát huy sức mạnh.
Đất nước đã đi qua giai đoạn khốc liệt nhất của dịch Covid-19, cuộc sống bình thường mới đã trở lại, đời sống kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi mạnh mẽ; toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập cùng thế giới. Vì thế, ngày Quốc khánh năm nay, mỗi người dân đang ở tâm thế mới, kỳ vọng mới và niềm tự hào ùa về khi được sống lại hồi ức của thời khắc ngày 2/9 lịch sử - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn nhân dân Hà Nội và chính khách.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chính sự tự hào về quá khứ giúp tăng sự tự tin cho hiện tại, giúp chúng ta có một niềm tin mãnh liệt rằng, tinh thần bất diệt của ngày 2/9 không chỉ là thời điểm tôn vinh sức mạnh Việt Nam mà thực sự còn tỏa sáng giá trị con người, văn hóa Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường cho một tương lai tươi sáng của dân tộc.
77 năm trôi qua, tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập, tự do", cũng như tinh thần bất diệt ẩn chứa trong bản Tuyên ngôn độc lập, sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc và sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. |