Tuân thủ cam kết EVFTA: Cơ hội gia tăng hạn ngạch xuất khẩu gạo vào EU
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều lô hàng xuất khẩu nông nghiệp nói chung, gạo nói riêng của Việt Nam đã lần lượt cập cảng vào EU và hưởng thuế suất 0%. Gần đây nhất, vào ngày 22/9, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu lô gạo thơm 126 tấn đầu tiên sang EU và dự kiến sẽ có một số doanh nghiệp tương tự ở Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA như đơn vị này.
Tuân thủ các cam kết EVFTA giúp gạo Việt có cơ hội gia tăng hạn ngạch tại EU |
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Quách Thế Phong - đồng Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham - đánh giá: Những doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu sang EU sẽ có cơ hội tăng cường sản xuất trong nước cũng như hiểu và thích ứng hơn nữa với các tiêu chuẩn của EU. Điều này không chỉ do yêu cầu của thị trường EU cao hơn, mà còn do tại Việt Nam, cả Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đều đang theo sát, điều tiết quá trình xuất khẩu để tuân thủ các cam kết về thuế quan, chất lượng, tiêu chuẩn và hạn ngạch.
Ông Quách Thế Phong - đồng Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham |
EU có thể sẽ nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu trong tương lai. Các lợi ích cho Việt Nam bao gồm cả cơ hội học hỏi từ xuất khẩu và tăng cường năng lực sản xuất gạo chất lượng cao cho các nhà xuất khẩu. Do thuế quan sẽ được xóa bỏ từ 3 - 7 năm đối với các sản phẩm từ gạo, và các công ty này trước hết sẽ có thể xây dựng uy tín vững chắc hơn trong xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kết nối kinh doanh trong các mạng lưới phân phối châu Âu. Thứ hai, họ sẽ có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu khác ngoài Liên minh châu Âu. Thứ ba, họ có thể tham gia một số chương trình chuyển giao công nghệ để giúp các doanh nghiệp khác chưa tiếp cận được cơ hội xuất khẩu của EU tại Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm, ông Quách Thế Phong cho biết.
Cũng theo ông Phong, các thành viên EuroCham hoan nghênh Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 111/2020/ NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA giai đoạn 2020 - 2022. EuroCham đánh giá rằng các hoạt động xuất nhập khẩu, các thủ tục với mức thuế mới cho đến nay đều diễn ra rất suôn sẻ.
Đánh giá về mức độ cạnh tranh hiện nay của gạo Việt trên thị trường EU, ông Quách Thế Phong chỉ ra rằng, đối thủ chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan và Ấn Độ.
Điều này xuất phát từ báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) trong thời gian từ tháng 9/2019 đến 3/2020 (với 4 quốc gia là Mỹ, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ) thì gạo Việt Nam vào EU chỉ chiếm 6%, trong khi Thái Lan và Campuchia cao hơn rất nhiều. Như vậy, hạn ngạch 80.000 tấn vào EU của Việt Nam theo cam kết EVFTA là một khối lượng rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu bình quân là 2,3 triệu tấn/năm của các nước EU và Vương quốc Anh. “EVFTA sẽ nâng thị phần gạo của Việt Nam tại EU từ 6% lên 7 hoặc 8%, nếu Việt Nam có thể xuất khẩu thêm gạo tấm, loại gạo đang không bị áp dụng hạn ngạch”, ông Phong dự báo.
Để tăng hạn ngạch xuất khẩu qua EU, theo EuroCham, các nhà xuất khẩu và các cơ quan chức năng của Việt Nam trước hết phải tuân thủ đầy đủ tất cả các yêu cầu của EVFTA để nới lỏng hạn ngạch. Bởi đây là điều tượng trưng cho lá phiếu tín nhiệm từ phía EU. EuroCham và Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp - Nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển để cung cấp nguồn cung thực phẩm chất lượng cao từ Việt Nam sang EU. |