Từ ngày 1/7/2024, người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 được tăng thế nào?
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội thông qua, đã nêu rõ: Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024) |
Cụ thể, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Nghị quyết cũng giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trả lời về việc tại sao tăng lương cơ sở 30%, còn lương hưu chỉ tăng 15%, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, vấn đề này cũng được nhiều người hưu trí gọi điện hỏi ông.
Theo ông Đặng Thuần Phong, những lần điều chỉnh lương trước, đối với lương hưu đã có phần điều chỉnh. Nhất là tăng các chỉ số CPI hàng năm, đã tăng rất nhiều lần đối với người hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành.
Nếu tăng lương hưu đợt này chỉ tăng 11,5% sẽ ngang bằng như 30% như cán bộ công chức. Nhưng do khó khăn, năm nay chuẩn bị lương lên thì giá sẽ lên nữa. Vì vậy, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc rất nhiều. Chính vì thế, lương của người hưởng lương hưu tăng 15% nhưng thực tế, cộng lại từ tăng chỉ số CPI cộng dồn các năm qua thì trên 30% so với cán bộ, công chức.