Từ ngày 1/6, tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hàng năm, Bộ Y tế đều tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 59 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc. Mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 12. Thời gian qua, các chiến dịch bổ sung vitamin A đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000.
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ |
Năm 2024, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày 1/6, đồng thời cũng là ngày vi chất dinh dưỡng. Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao; bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi tại 32 tỉnh, thành phố còn lại; kết hợp thực hiện tẩy giun cho trẻ em từ 24 - 59 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố khó khăn.
Dự kiến trong chiến dịch đợt 1, có hơn 6 triệu trẻ trên toàn quốc được uống bổ sung vitamin A.
Tại buổi đến thăm và kiểm tra công tác tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em của huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) trong sáng ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo cơ số thuốc, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ.
Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, cơ quan truyền thông tích cực tham gia vận động phụ huynh đưa trẻ đến uống vitamin A và tẩy giun định kỳ đầy đủ, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.
Đối với những trẻ em vì nhiều nguyên nhân khác nhau, gia đình không thể đưa đến điểm uống vitamin A thì các trạm y tế phải tổ chức uống lưu động tại nhà cho trẻ, làm sao để tỷ lệ trẻ được uống vitamin A cao nhất.
Ngoài uống vitamin A đúng lịch, việc tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết về vai trò của vi chất dinh dưỡng là rất quan trọng. Việc vệ sinh ăn uống, phòng tránh ngộ độc, bổ sung vi chất trong bữa ăn hàng ngày là biện pháp bền vững nhất trong việc phòng ngừa tình trạng thiếu vi chất của trẻ em, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai...