Từ điểm sáng hợp tác kinh tế, thương mại đến lan toả động lực phát triển
Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Cùng đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có các cuộc hội kiến quan trọng với các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Uông Dương.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay.
Trong cuộc hội đàm, hai đồng chí Tổng Bí thư cũng đi sâu trao đổi về các lĩnh vực hợp tác thực chất, nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương; nhấn mạnh Việt Nam - Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên.
Đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu trao đổi, đạt được nhận thức chung với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đó hai nước Việt Nam và Trung Quốc kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa với mục tiêu căn bản là mang lại sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân; cần phát huy ưu thế gần gũi về địa lý và bổ sung lẫn nhau về ngành nghề, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn lợi ích của nhân dân hai nước.
Đồng thời phát huy vai trò định hướng chiến lược của hợp tác kênh Đảng trong việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các văn kiện đã được các bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết. (Ảnh TTXVN) |
Theo đó Tuyên bố chung đã tập trung nêu bật 12 nhóm giải pháp nhằm thực hiện định hướng chiến lực trên. Trong đó hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh thương mại điện tử là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác kinh tế-thương mại song phương, tiếp tục thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc”.
Hai bên cũng nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.
Phía Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và kinh tế-thương mại. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đủ điều kiện, đầu tư vào Việt Nam trên nguyên tắc thị trường và thương mại.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp, hai bên cho rằng, bảo đảm phòng, chống dịch chính là bảo đảm thông quan hàng hóa, nhất trí phát huy vai trò của Cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới và hợp tác phòng, chống dịch, duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu với tiền đề bảo đảm công tác phòng chống dịch, nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan.
Cùng với 12 nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế, thương mại song phương, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo các Bộ, ban ngành của Việt Nam và Trung Quốc đã ký 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước. Trong đó Bộ Công Thương Việt Nam đã ký với các bộ, ngành hữu quan quan Trung Quốc 3 văn kiện gồm Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Việt-Trung; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Các văn kiện hợp tác này đã chính thức hoá cơ chế thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước láng giềng, đồng thời cũng là đối tác giàu tiềm năng của nhau.
Đây là cũng cơ sở và tiền đề để Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương hai nước triển khai hợp tác một cách hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Cùng đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực khác, mang lại lợi ích thiết thực và tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí sẽ áp dụng các biện pháp thiết thực giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, tạo thuận lợi về thông quan hàng hóa, thúc đẩy an toàn, ổn định chuỗi sản xuất và duy trì thông suốt chuỗi cung ứng giữa hai nước; thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của hai nước, trong đó tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Với việc triển khai đầy đủ, toàn diện, hiệu quả các nhận thức chung cấp cao và kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, như mong muốn của hai đồng chí Tổng Bí thư hai nước là đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn và bất đồng được kiểm soát tốt hơn.