Từ 1/10, chủ phương tiện phải chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Theo dự thảo này, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết loại phí, giá, không chỉ với giao thông đường bộ mà còn cho các dịch vụ tại cả các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, kiểm định... Nhờ vậy, giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ vận tải, điều này phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước.
Hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” |
Tại hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức vào chiều 30/9, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông - khẳng định, tài khoản giao thông để thanh toán điện tử các loại phí, giá sẽ làm thay đổi lớn trong quản lý giao thông đô thị nói chung và trong thói quen, hành vi của mỗi người dân nói riêng khi sử dụng các dịch vụ giao thông. Điều này cũng gắn liền với quá trình chuyển đổi số, thanh toán điện tử, xây dựng một hệ sinh thái giao thông văn minh, ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ người dân, xứng tầm với các mục tiêu phát triển của đất nước.
Thông tin cụ thể về dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) - cho biết, tại Luật Đường bộ quy định riêng một Điều về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ (Điều 43). Cụ thể, thanh toán điện tử giao thông đường bộ gồm thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông. Để triển khai Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đang gấp rút xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Dự thảo gồm 6 chương, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.
Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, ông Toàn cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Đối với lĩnh vực Bộ Giao thông Vận tải quản lý, sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay. Trong đó, tài khoản thu phí gồm: Tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; nhà cung cấp dịch vụ thu phí là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ.
Ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phát biểu tại hội thảo |
Đối với cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ bao gồm: Thông tin tài khoản giao thông và thông tin giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Trong đó, thông tin tài khoản giao thông gồm: Số tài khoản giao thông, ngày mở tài khoản giao thông; thông tin chủ tài khoản giao thông (có thể là cá nhân hoặc tổ chức); thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối; thông tin thẻ đầu cuối; thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Còn, thông tin giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ gồm: Thông tin đơn vị tham gia giao dịch; thông tin thanh toán tiền sử dụng đường bộ; thông tin thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác; thông tin thanh toán (mã bản tin thanh toán; số tiền thanh toán; phương tiện thanh toán; ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây thực hiện thanh toán thành công).
Theo dự thảo Nghị định, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông sẽ gồm: Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ làm nhiệm vụ phát hành thẻ đầu cuối, mở tài khoản giao thông, kết nối, xác định chi phí và thực hiện thanh toán đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc. Và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ có nhiệm vụ kết nối tài khoản giao thông; kết nối, xác định chi phí, thực hiện thanh toán về phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện như: Giá dịch vụ trông đỗ xe, lệ phí đăng kiểm,…
Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có nhiệm vụ mở tài khoản giao thông cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. Tài khoản giao thông phải được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông. Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Nếu không sẽ không được đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc hoặc phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ.
“Tài khoản này có thể được khóa theo đề nghị của chủ tài khoản giao thông hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc đối soát doanh thu sẽ được thực hiện theo hàng ngày và hàng tháng” - ông Toàn thông tin.
Về lộ trình triển khai, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.
Từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua tài khoản giao thông.
Và từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cở sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.