4 nhân tố chiến lược
Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT TTC Sugar chia sẻ, trong niên vụ 2018 - 2019, TTC Sugar ghi nhận những bước phát triển và tốc độ tăng trưởng ổn định. Chiến lược phát triển chung trong giai đoạn tới, TTC Sugar sẽ tập trung ở 4 khía cạnh là tăng thị phần, giảm giá thành, phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, TTC Sugar đặt mục tiêu tăng thị phần ở những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, hướng tới chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng cao cấp. Đối với kênh công nghiệp lớn, TTC Sugar chiếm 50% thị phần, đồng thời vẫn đang giữ vững tỷ lệ tăng trưởng của kênh đạt 8%/năm phù hợp với tốc độ tăng trưởng của các ngành hàng sử dụng đường là nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, kênh tiêu dùng và kênh công nghiệp nhỏ hiện là các kênh quan trọng dẫn dắt đà tăng trưởng của TTC Sugar có mức tăng trưởng cao đạt 20%/năm. Kênh xuất khẩu cũng được xem là một kênh tiềm năng với nhiều cơ hội trong thị trường thế giới rộng lớn, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng vào khoảng 15%/năm. Đến nay, các sản phẩm của TTC Sugar đã có mặt tại châu Âu, Mỹ, Singapore, Malaysia…
Sau khi chính thức tiếp nhận Nhà máy phức hợp Đường - Cồn - Điện tại huyện Sambou, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia, TTC Sugar đã tiến hành làm đất, trồng mía giống trên quy mô 150 hecta |
Với định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ năm 2018, TTC Sugar và EDF&Man đã ký kết hợp tác chiến lược về việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm đường Organic. Đến nay, đường Organic mang thương hiệu TTC Sugar được trồng rất thành công tại Lào. Đồng thời, TTC Sugar đã tái cơ cấu hoạt động nhà máy Đường Nước Trong để chuyển sang trồng mía Organic. Thổ nhưỡng của vùng nguyên liệu lân cận và công suất dây chuyền của Nhà máy Đường Nước Trong được đánh giá là rất phù hợp để trồng mía và điều chỉnh quy hoạch sản xuất đường tinh luyện sang sản xuất đường Organic.
Mục tiêu thứ 2 là giảm giá thành, TTC Sugar đã chính thức tiếp nhận Nhà máy phức hợp Đường - Cồn - Điện tại huyện Sambou, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia vào ngày 24/5/2019 - với tổng diện tích vùng nguyên liệu mía lên đến 16.000 hecta. Bên cạnh hai vùng trồng hiện hữu là Việt Nam và Lào, tổng diện tích vùng nguyên liệu của TTC Sugar lên đến 78.000 hecta. Lý do mở rộng tại Campuchia vì đây vùng có diện tích đất canh tác rất lớn, liền canh, còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác có sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, và vị trí nằm gần sông Mê Kông, thuận lợi cho tưới tiêu, giao thương. Như vậy, việc tiếp quản nhà máy Campuchia vừa tốt cho công tác cơ giới hóa nông nghiệp, tốt cho công tác phát triển sản phẩm hữu cơ, tạo chuỗi phức hợp để trở thành lợi thế cạnh tranh của TTC Sugar, thúc đẩy tăng sản lượng và giảm giá thành sản xuất. Nhà máy này chiếm 15 - 20% tổng sản lượng đường sản xuất của TTC Sugar, dự kiến đạt khoảng 850.000 tấn vào cuối năm 2020.
TTC Sugar đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo chuẩn organic với công suất 50.000 tấn/năm tại Tây Ninh |
Mục tiêu thứ ba của TTC Sugar là trở thành công ty hàng đầu về phân bón hữu cơ. Hiện tổng nhu cầu phân hữu cơ vi sinh của Việt Nam khoảng 13 triệu tấn, trong khi sản xuất chỉ đáp ứng 30%. Phân hữu cơ vi sinh đang được nhà nước khuyến khích sử dụng vì tốt cho đất, bảo vệ môi trường. Ở các nước phát triển, họ giữ lượng hữu cơ trong đất từ 4-5% trong khi Việt Nam chỉ ở mức dưới 0,5%. Tiềm năng phát triển của sản phẩm phân hữu cơ vi sinh đang rất cao.
Ông Phạm Hồng Dương cho hay, với nguồn nguyên liệu dồi dào từ quá trình sản xuất mía là bã bùn, sản xuất phân hữu cơ vi sinh góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị của ngành. Đầu năm 2019, TTC Sugar đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo chuẩn Organic với công suất 50.000 tấn/năm tại Tây Ninh. Dự kiến cuối năm 2019, TTC Sugar sẽ giới thiệu và cung cấp sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu TTC Sugar ra ngoài thị trường. Với lợi thế chi phí đầu tư cơ bản không quá cao và nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, doanh thu mảng sản xuất phân hữu cơ vi sinh sẽ mang về cho TTC Sugar khoảng 100 tỷ đồng, đưa TTC Sugar trở thành công ty hàng đầu về phân bón hữu cơ vi sinh.
Riêng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TTC Sugar không ngừng học hỏi, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới hiệu quả như cày ngầm, thiết kế đồng ruộng và áp dụng cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch… từ đó thúc đẩy tăng hiệu quả trồng trọt, giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành sản xuất. Áp dụng thành công cơ giới hóa vào ngành mía đường, TTC Sugar còn mong muốn đưa cơ giới hóa vào cây trồng khác của nông nghiệp qua việc trở thành nhà phân phối của John Deere tại Việt Nam (nhà sản xuất và cung cấp thiết bị nông nghiệp lớn nhất thế giới). TTC Sugar đã thiết lập được hệ thống phân phối tại 3 khu vực Tây Ninh, Ninh Hòa, Gia Lai và vừa mở rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Trung tâm tại An Giang nhằm cung cấp thiết bị, máy móc cơ giới cho bà con nông dân. Đây là mảng đầu tư rất tiềm năng, dự kiến sẽ đóng góp nhiều vào tổng doanh thu của TTC Sugar.
Cơ hội mới mang tên ATIGA
Đường là mặt hàng nhu yếu phẩm nhưng tại Việt Nam, lượng tiêu thụ còn thấp so với các nước. Hiện nay, mức tiêu thụ đường của người Việt Nam bình quân chỉ vào khoảng 17 kg/người, còn rất thấp so với các nước đang phát triển ở khu vực lân cận như Thái Lan, Indonesia, Mỹ … Dân số Việt Nam là dân số trẻ và đang tiếp tục tăng trưởng, vì vậy nhu cầu đường của người Việt Nam còn rất lớn và dự báo sẽ tăng lên 2,1 - 2,2 triệu tấn vào năm 2025.
Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm giá đường thế giới tăng. Năm tới, theo dự báo của các tổ chức đường, thị trường thế giới sẽ thiếu 2 – 6 triệu tấn nên giá đường chắc chắn tăng bật.
Ngoài ra, nếu theo đúng lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, thuế suất áp dụng ở mức 5%. Khi đó giá đường trong nước sẽ tiệm cận với giá đường thế giới, các nhà máy đường phải chuẩn bị cho một mặt bằng giá thấp hơn thì mới có thể cạnh tranh được. Tuy lộ trình của ATIGA chưa đến, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đường Việt Nam đang phải đối mặt với đường lậu từ nước ngoài.
Cơ chế thị trường sẽ gói gọn các doanh nghiệp mía đường thành 6 - 7 “group” lớn có năng lực cạnh tranh, năng lực bán hàng, sản xuất, tối ưu chi phí logistics, tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm ngành… để có được sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, những vùng nguyên liệu không cạnh tranh sẽ sụt giảm, tuy nhiên, ngược lại các vùng nguyên liệu có tính cạnh tranh cao sẽ được tiếp tục quy hoạch và tập trung phát triển mạnh, sản lượng mía nguyên liệu cũng dần “gom” lại nhưng đảm bảo duy trì ở mức tối ưu khoảng 10 triệu tấn mía, tương đương 1 triệu tấn đường.
“ATIGA là sẽ cơ hội cho các doanh nghiệp tạo lập sức cạnh tranh khi tự ý thức đổi mới để hội nhập. ATIGA giúp các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, máy móc tốt hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước” – ông Phạm Hồng Dương nhấn mạnh.
TTC Sugar đã đón đầu và chuẩn bị sẵn sàng trước ngưỡng cửa hội nhập bằng cách đầu tư dây chuyền luyện đường từ đường thô tại một số nhà máy. Vì vậy, lượng đường còn thiếu sẽ được bù đắp bằng lượng đường luyện từ đường thô nhập khẩu. Cung - cầu gặp nhau và thị trường sẽ tự động thiết lập giá cân bằng. Khi đó, các công ty sản xuất đường chỉ cần chú trọng công tác quản lý giá thành, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu chiếm 80% giá thành sản phẩm.
Cụ thể, đối với đường sản xuất từ đường thô, để tối ưu chi phí giá thành, TTC Sugar đã chủ động và có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại quốc tế, cụ thể TTC Sugar dựa theo phân tích thị trường và mua đường thô theo phương thức chốt giá trên thị trường kỳ hạn để có được giá tốt nhất. Đối với đường từ mía, TTC Sugar đã không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu có diện tích canh tác lớn, đưa ra các giải pháp khuyến nông như “dồn điền đổi thửa” để dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào quá trình canh tác, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất cũng như giảm chi phí giá thành mía.