Điêu đứng vì đường cát nhập lậu Trước sức ép hội nhập, mía đường Việt mong được cạnh tranh “sòng phẳng” Đề nghị hợp tác đầy đủ điều tra chống bán phá giá đường |
Nhằm trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp để đảm bảo phát triển ngành mía đường một cách bền vững, giúp tạo lập thị trường cạnh tranh, công bằng, nâng cao năng lực ngành mía đường trong nước cũng như lợi ích bền vững cho người nông dân trồng mía, sáng ngày 1/12, Trung ương Hội nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”.
Nhiều nhà máy đóng cửa
Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 01/01/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trong 10 tháng năm 2020. Ngoài ra, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía.
Dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía cũng rất thấp, khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.
Chia sẻ tại Hội thảo, nông dân trồng mía Trần Thị Yến (Phú Yên)- cho hay, cây mía không còn tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn, người nông dân trồng mía không thu được lãi, thậm chí là lỗ vốn, dẫn đến buộc phải giảm diện tích trồng mía hoặc bỏ đất hoang. Đã có nhiều trường hợp người trồng mía bỏ xứ đi làm thuê hoặc không có công ăn việc làm ổn định.
Ông Đỗ Văn Thảo (nông dân trồng mía từ Kon Tum) cũng khẳng định, việc giá đường xuống thấp kéo theo giá mía nguyên liệu tụt mạnh đã gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh tế cho người dân trồng mía. Dù doanh nghiệp có đưa ra một số biện pháp hỗ trợ người nông dân trồng mía nhưng mức giá quá thấp vẫn gây sức ép lớn lên ngành mía đường.
Nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường- cho hay, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO). Đồng thời có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Lộc phân tích, theo dữ liệu trên, giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện chỉ có 334 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu nêu trên rõ ràng không chỉ cao hơn hẳn giá đường bán trong thị trường nội địa Thái Lan mà còn thấp hơn cả chi phí mía trong đường (niên vụ 2019-2020 chỉ tiêu chế biến của ngành đường Thái Lan là 9,13 mía/đường - chi phí mía trong đường là 410 USD/tấn). Điều này càng làm nổi rõ hơn tính chất phá giá của đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành thực hiện quyết liệt vấn đề chống buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại. Bộ Công Thương cần điều tra và sớm áp dụng biện pháp chống bán phá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác, nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh, để tạo điều kiện doanh nghiệp thu mua giá mía của người dân được cao hơn. Đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các công ty trồng, sản xuất mía vay bằng tín chấp nhưng chỉ tín chấp một phần tài sản, không tính lãi với các khoản vay đầu tư như giống, nguyên liệu và nhân công.….
Phòng vệ thương mại chỉ là một giải pháp
Trước những khó khăn của ngành mía đường, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Gần đây nhất là ngày 14/7/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ |
Liên quan đến giải pháp về phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bên cạnh đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. "Động thái này ngay lập tức đã có tác động tích cực, giá đường trong nước đã hồi phục. Bộ Công Thương mới khỏi xướng điều tra thôi nhưng cũng đã mang lại "tia sáng cuối đường hầm" đối với ngành mía đường Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin, hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Trong thời gian tới, khi có kết quả điều tra và chứng minh được vi phạm của đường nhập khẩu thì chúng ta có thể áp dụng các công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người nông dân trồng mía.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, tình trạng ngành Mía đường Việt Nam hiện nay cũng một phần có thể bắt nguồn từ việc chúng ta được bảo hộ quá dài (15 - 20 năm) và sự chuyển biến của ngành mía đường trong tiến trình hội nhập chưa thấy rõ. Trên thực tế, không chỉ có ngành đường hội nhập mà còn có ngành thép, ngành ô tô, ngành chăn nuôi… và các ngành hàng này đều có những thời điểm phải đối diện với khó khăn. Như đối với ngành ô tô, cách đây 3 năm, chúng ta cũng phải mở cửa cho ngành này với mức thuế nhập khẩu 0% (trong khi ngành mía đường mức thuế nhập khẩu là 5%). Qua thời điểm khó khăn, đến nay, đã hình thành những doanh nghiệp ô tô thực sự mang thương hiệu Việt Nam. Do đó, sự liên kết, đổi mới, và quyết tâm của chính các doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng giúp ngành mía đường vượt qua cơn sóng hội nhập này.