TS Phan Hữu Thắng: Năm 2024 Việt Nam có thể thu hút 39-40 tỷ USD vốn FDI
Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2024, trong khi 9 tháng năm 2024 chỉ đạt gần 25 tỷ USD. Cơ sở nào để Việt Nam đạt được mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD? Để làm rõ nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
9 tháng năm 2024, Việt Nam thu hút được gần 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông đánh giá ra sao về kết quả trên?
TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh ST |
9 tháng năm 2024, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 5 năm qua.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9 năm 2024, có 2.492 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 13,55 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, có 1.027 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 2.471 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,59 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 15,64 tỷ USD, chiếm gần 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,38 tỷ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và hơn 920 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Theo đánh giá của tôi, 9 tháng năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì kết quả thu hút FDI khá tích cực ở cả vốn FDI đăng ký mới và vốn FDI đăng ký tăng thêm, vốn FDI thực hiện. Nhiều dự án đầu tư lớn ở các lĩnh vực năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng. Cùng với đó, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Khu vực này cũng xuất siêu 37,9 tỷ USD kể cả dầu thô.
Kết quả thu hút FDI 9 tháng được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế tiếp tục đà phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư. Cụ thể, cán cân thương mại xuất siêu 20,79 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 47,29% kế hoạch; thu ngân sách tăng mạnh, đạt 85,1% dự toán; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước được nâng cao.
9 tháng, Việt Nam thu hút được gần 25 tỷ USD vốn FDI. Ảnh KL |
Từ kết quả thu hút FDI 9 tháng, ông nhận định thế nào về mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn FDI của Việt Nam trong năm 2024. Cơ sở nào để Việt Nam đạt mục tiêu trên, thưa ông?
Theo tôi, thu hút FDI các tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Cụ thể, các đối tác đầu tư lớn như: Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đang có xu hướng mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Đồng thời, theo đánh giá mới nhất của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam năm 2024 sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ một số yếu tố chính, gồm: Chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực và kinh tế vĩ mô ổn định.
Nhìn lại năm 2023, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, kinh tế thế giới đối mặt với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và căng thẳng chính trị. Tuy nhiên, thu hút FDI của Việt Nam năm 2023 vẫn đạt những con số ấn tượng về cả vốn đăng ký và vốn giải ngân. Cụ thể vốn FDI đăng ký đạt gần 39,4 tỷ USD tăng 34,5% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ tăng 3,5 % so với năm 2022.
Từ phân tích những yếu tố trên, dự kiến các tháng cuối năm 2024 dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Dự báo cả năm 2024, thu hút FDI đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023, vốn đăng ký đạt khoảng 39 – 40 tỷ USD (năm 2023 đạt 39,4 tỷ USD), vốn thực hiện đạt khoảng trên 23 – 24 tỷ USD (năm 2023 đạt 23,18 tỷ USD).
Việt Nam có cơ sở để thu hút 39-40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024. Ảnh KL |
Ông có dự báo gì về thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2025, nhất là trong bối cảnh tỉnh hình kinh tế trong nước và thế giới đang đối mặt với những diễn biến khó lường, có thể ảnh hưởng đến cơ hội thu hút FDI?
Chúng ta đang chứng kiến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể ảnh hưởng đến triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong cuối năm 2024 và cả năm 2025. Đặc biệt, xu hướng hợp tác - liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn. Các liên kết khu vực và song phương tiếp tục được thúc đẩy, kinh tế toàn cầu vẫn gặp khó khăn nhưng chứng kiến sự trỗi dạy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Trung Quốc, Ân Độ,… trong bối cảnh thế giới như vậy đặt ra cả những thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI.
Trong đó, thách thức phải kể đến đó là triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
Các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp. Cụ thể, đồng Won Hàn Quốc đã giảm 7% so với USD trong 4 tháng đầu năm 2024 và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/1900; tỷ giá đồng Yên của Nhật Bản cũng giảm so với đồng USD xuống mức thấp nhất trong 34 năm qua, do vậy một số đối tác lớn về đầu tư nước ngoài của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng giảm đầu tư ra nước ngoài và Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút các nhà đầu tư quay lại đầu tư trong nước.
Cùng với đó, triển vọng đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể sẽ có nhiều bất định hơn, theo Báo cáo Đầu tư quốc tế năm 2024 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn đầu tư toàn cầu đã giảm 2% xuống còn 1.300 tỷ USD trong năm 2023, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp FDI toàn cầu suy giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, vẫn có những cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025. Cụ thể là, tuy phải đối mặt với các thách thức nêu trên, nhưng triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ các dấu hiệu khả quan như đà phục hồi ở các nền kinh tế châu Á, gắn với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, và thu hút thêm nhà đầu tư mới.
Đầu tư tại khu vực châu Á có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các quốc gia có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực với mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng như các nước ASEAN. Từ thực tế thu hút FDI của chung các nước ASEAN cho thấy, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm nhưng FDI vào ASEAN lại tăng trong 3 năm liên tiếp gần đây. Trong khu vực ASEAN tính từ năm 2015, Việt Nam đã vượt Malaysia để trở thành nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba trong khu vực chỉ sau Singapore và Indonesia.
Các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ… đang tích cực thiết lập cơ sở mới ngoài Trung Quốc để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, trong đó Việt Nam là một địa điểm tốt để lựa chọn đầu tư. Trong khi đó, các nước châu Âu tuy chịu tác động tiêu cực do xung đột quân sự và căng thẳng địa chính trị kéo dài, nhưng đang đẩy mạnh hợp tác với các nước khác trong ASEAN nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số lĩnh vực mà nhà đầu tư châu Âu quan tâm như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn, nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, robot… đang là định hướng chính trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Ngoài ra, do cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) nên cũng được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp từ châu Âu. Đây là những yếu tố tích cực hỗ trợ dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2025.
Xin cảm ơn ông!