Trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy tăng trưởng xanh
Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0" khai mạc sáng 15/9.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất; ngoài ra là trung tâm dịch vụ - công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước. TP. Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm ban hành nghị quyết riêng để phát triển thành phố. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 87 để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phát triển nhanh, bền vững.
“Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quy mô lớn, trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh phải lựa chọn con đường phát triển khác thời gian trước. Thành phố lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Đảng và xu thế mới của thế giới, tạo ra động lực và không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho TP. Hồ Chí Minh triển khai thành công định hướng chiến lược về tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải bằng “0”, ông Hiển cho rằng, ngoài nỗ lực tiên phong, chủ động dám nghĩ dám làm của thành phố, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành cần sớm thể chế hóa thành cơ chế, chính sách và pháp luật chung. Hiện nay, quá trình thể chế hóa nhiều định hướng, chủ trương về phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vẫn còn khá chậm qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Song song đó, việc triển khai phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà cần bài bản, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Thành phố phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về động lực tăng trưởng mới từ thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện nay, đây là vấn đề còn mới, đòi hỏi phải đồng bộ từ các vấn đề liên quan quy hoạch, lựa chọn chuyển dịch nội các ngành, bố trí nguồn lực, xây dựng ý thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; các biện pháp tuyên truyền phải xoay quanh định hướng dài hạn, quyết định thúc đẩy phát triển TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong tăng trưởng xanh.
Một vấn đề đáng chú ý được Ban Kinh tế Trung ương nêu ra là trong khung chiến lược về tăng trưởng xanh, TP. Hồ Chí Minh cần tiên phong trong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. Cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp của thành phố sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải cácbon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Thành phố cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh; và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực. Trong đó các trung tâm đổi mới, sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh” ông Nguyễn Đức Hiển gợi mở.
Đồng thời, để tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và đô thị hóa bền vững, thành phố nên khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị tạo ra không gian sống trong lành cho người dân.
Ngoài ra, chủ động khai thác và phát triển tài chính xanh. Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh của cả nước mới đạt gần 500.000 tỷ VND (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Vì vậy, trong lĩnh vực tài chính, thành phố cũng phải đi tiên phong. "Khi phát triển trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, thành phố cần đi tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.