Trung Đông ‘bốc lửa’: Cú sốc giá dầu đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Hãng nghiên cứu ClearView Energy Partners ước tính việc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Iran có thể kéo giá dầu tăng thêm 13 USD/thùng. Thậm chí, giá có thể đắt thêm 28 USD/thùng nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa.
Giới chức Israel cho biết, một trong các phương án đáp trả của nước này là tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Iran. Bà Amrita Sen, đồng sáng lập Energy Aspects cho rằng, động thái này có thể gây ra cú sốc giá dầu cho thế giới.
"Trên lý thuyết, nếu Iran mất toàn bộ sản lượng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đủ công suất dự phòng để bù đắp cú sốc này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây không phải là kịch bản có xác suất lớn nhất", bà Sen nói.
Sau các thông tin tập kích của Iran vào Israel, giá dầu thô thế giới tăng gần 4%. Ảnh: AP |
Theo các chuyên gia, nếu căng thẳng tại Trung Đông lan rộng hơn nữa, gây gián đoạn nguồn cung trầm trọng hơn, giá dầu khó tránh tăng giá. Việc này sẽ kéo giá xăng lên cao, ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
“Mỹ nhiều khả năng sẽ thuyết phục Israel đáp trả nhẹ nhàng hơn, để tránh căng thẳng lên quá cao”, ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Công ty Dịch vụ Tài chính Hà Lan ING nhận định.
“Rủi ro nguồn cung đang quay lại khi căng thẳng Trung Đông tăng nhiệt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động sẽ hạn chế”, các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ nhận định.
Dù khu vực này đóng góp một phần ba sản lượng dầu toàn cầu, Israel khó chọn phương án tấn công trực tiếp vào các cơ sở sản xuất dầu của Iran.
"Động thái này khiến cộng đồng quốc tế không hài lòng, đồng thời đẩy Iran vào thế không còn gì để mất và trả đũa mạnh tay hơn", ANZ dự báo.
Trước đó, hôm 1/10, Iran tập kích tên lửa quy mô lớn vào Israel để trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah và Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó tuyên bố Iran đã phạm sai lầm lớn và sẽ phải trả giá. Iran cũng đe dọa phản ứng mạnh nếu Israel trả đũa.
Nếu Israel trả đũa vụ tập kích của Iran bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này, giá dầu có thể tăng thêm 13 USD/thùng.
Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC, với sản lượng 3,2 triệu thùng/ngày, tương đương 3% toàn cầu. Năm nay, xuất khẩu của họ lên cao nhất nhiều năm, với 1,7 triệu thùng/ngày, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Khách mua chủ yếu là các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.
Các nhà phân tích và chuyên gia an ninh cho biết, Israel có thể nhắm đến các cơ sở lọc dầu và cảng dầu Kharg Island - nơi xử lý 90% dầu khô xuất khẩu của Iran. Trong chiến sự Iran-Iraq thập niên 80, Baghdad từng tấn công nhiều tàu dầu quanh Kharg Island và đe dọa phá hủy cảng này. Dù vậy, Israel đến nay vẫn tránh tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.