Trong 3 năm, tiền lương không được cải thiện dẫn đến nhiều khó khăn
Việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Xem xét, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở lên 1,80 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023 |
Theo đó, ngay từ cuối năm 2018, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
Đồng thời, xây dựng dự thảo Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới để triển khai thực hiện từ năm 2021 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, tại Hội nghị 13 khóa XII (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương.
Như vậy, sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019 theo lộ trình tại Nghị quyết số 27-NQ/TW (từ 1.390.000đ/tháng lên 1.490.000đ/tháng, tăng 7,19%) thì trong 3 năm (2020 - 2022) tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang không được cải thiện dẫn đến nhiều khó khăn trong đời sống của cán bộ công chức viên chức.
Đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, khó dự báo; lạm phát tăng mạnh, xu hướng tăng lãi xuất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến suy giảm kinh tế toàn cầu...
Ở trong nước áp lực lạm phát tăng cao, giá đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, thiên tại, dịch bệnh, báo lũ diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Khóa XV xem xét, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,80 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1/7/2023 để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở là phù hợp.
Sau khi điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, căn cứ tính hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và giai đoạn đến 2025, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kịp thời trình Chính phủ, Trung ương và Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.