Thứ tư 01/01/2025 12:33

Trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).

Đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT

Chiều 28/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: QH

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Chính sách giảm 2% thuế VAT đã được thực hiện trong những năm gần đây, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Chính phủ đánh giá chính sách giảm thuế VAT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Việc ban hành Nghị quyết kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho Ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc tiếp tục giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 sẽ kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như nền kinh tế để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc giảm 2% thuế VAT, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2024, số thuế VAT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Thủ tướng, việc giảm thuế VAT tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: QH

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT và cho rằng, chính sách này đã được ban hành và thực hiện từ năm 2022 trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và chỉ nên được coi là giải pháp tình thế.

Đến nay, khi đại dịch đã kết thúc một thời gian dài, các chính sách ưu đãi về thuế được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch cần được xem xét để thu hẹp diện áp dụng, từng bước để ổn định lại việc thực hiện các chính sách về thuế. Vì vậy, việc tiếp tục đề xuất ban hành và thực hiện chính sách giảm thuế VAT là chưa thật sự phù hợp.

Về thời hạn áp dụng chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế VAT trong thời gian qua được thực hiện tương đối ngắn hạn, phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh,...

Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế VAT, đồng thời bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế VAT như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị áp dụng chính sách trong năm 2025, bảo đảm chính sách đủ thời hạn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tránh việc đề xuất gia hạn chính sách.

Theo ông Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến trong Uỷ ban thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT với hình thức và phạm vi như nội dung thể hiện tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội. Thời hạn áp dụng chính sách từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025. Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi Ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: QH

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - đoàn Quảng Trị nhấn mạnh, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế là một chủ trương đúng đắn và kịp thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà còn góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ tác động đến Ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn, hiệu quả nhưng cần có các giải pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Song song với việc giảm thuế, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế giá trị gia tăng để bù đắp phần hụt thu này. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thuế; phối hợp liên ngành, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm soát các hành vi trốn thuế, hành vi chuyển giá, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý

Quy định mới với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc từ 1/1/2025

Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư

10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương năm 2025

Thủ tướng: Mở rộng thị trường xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Đảng bộ Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024

Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp

Việt Nam - Lào: Nhất trí tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế

Thủ tướng: Sắp xếp bộ máy Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không để gián đoạn công việc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sỹ - đội quân văn hóa của Đảng

Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào

Công tác lập pháp là điểm nhấn quan trọng trong năm 2024

Tổng Bí thư trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Ủy ban Dân tộc sau sắp xếp phải sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức cùng đất nước tiến bước

Thành phố Huế chính thức trực thuộc Trung ương

Tổng Bí thư dâng hương tại Di tích Ngã ba Đồng Lộc