Triển khai các giải pháp phát triển mía đường trong tình hình mới
Để phát triển ngành mía đường trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường. Phối hợp với các địa phương và nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất mía; chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất mía, đường và quản lý đường nhập khẩu... Rà soát Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch về chữ đường, giá mía trong quan hệ mua bán mía nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân. Nghiên cứu đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.
Ngành mía đường cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập bình đẳng, độc lập, tự cường… |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời đề xuất áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về xuất nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp với tình hình mới. Phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP theo hướng đề xuất nâng mức phạt tiền có tính răn đe cao và phạt bổ sung các trường hợp vận chuyển đường nhập lậu. Tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và tiếp tay buôn lậu đối với sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên dành nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tín dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mía đường; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính định kỳ hàng quý và đột xuất khi có yêu cầu cung cấp cho Bộ Công Thương số liệu xuất nhập khẩu các sản phẩm đường để phục vụ công tác quản lý. Chỉ đạo lực lượng hải quan phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Hiệp hội mía đường Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc áp dụng chính sách thuế theo lộ trình phù hợp đối với đồ uống có chứa các loại đường có hại cho sức khỏe.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét sự cần thiết, tính khả thi của việc bổ sung hoạt động kinh doanh sang chiết, phối trộn đóng gói mặt hàng đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại; xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép.
Các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành mía đường phát triển bền vững.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế; hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả. Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía. Ưu tiên nguồn vốn của địa phương hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Theo dõi thu thập thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh đường trong nước để đề xuất, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong việc hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu; minh bạch về chữ đường, giá mía nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trồng mía, duy trì nguồn nguyên liệu ổn định. Tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ tiên tiến trong sản xuất đường, sản phẩm cạnh đường và sau đường; xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường.