Trích quỹ bình ổn khi kinh doanh xăng dầu lỗ tạo ra quỹ ảo
- Trả lời các câu hỏi xung quanh việc trích Quỹ bình ổn xăng dầu tại cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán trong năm 2011, ông Lê Minh Khái- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước- giải thích rõ: Quỹ ảo ở đây có nghĩa là việc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu lẽ ra phải vào những lúc có lãi dành cho lúc kinh danh lỗ để bù đắp. Tuy nhiên, thực tế do tình hình của các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay không như nhau, có đơn vị lãi, đơn vị lỗ nên có đơn vị kinh doanh lỗ nhưng vẫn phải trích quỹ, về mặt nguyên tắc như thế là không ổn.
Ông Khái cho hay, Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì bất kể giá xăng dầu thế giới có tăng hay giảm thì trong giá cơ sở vẫn có trích quỹ bình ổn. giá cơ sở là giá nhập khẩu xăng dầu bình quân trong 30 ngày. Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu phụ thuộc vào giá nhập khẩu bình quân 30 ngày. Nhưng khi trích vào quỹ bình ổn giá lại không phụ thuộc vào đơn vị kinh doanh lỗ hay lãi, cứ bán 1 lít xăng dầu thì phải trích vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu thế giới quá cao thì xả quỹ ra để bình ổn giá, chống lạm phát.
Ở đây có vấn đề là thời gian trích quỹ là 30 ngày là rất dài nên việc theo dõi trích cũng rất khó khăn. Vì trong 30 ngày ấy giá thế giới tăng, giảm rất lớn do đó từng doanh nghiệp có thể mua ở giá cao hoặc mua giá thấp, không đồng nhất giá như nhau.
Ông Khái cho rằng, trong cơ chế trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu có bất cập: lẽ ra khi kinh doanh có lãi mới trích, nhưng thực tế thời gian qua kinh doanh xăng dầu lỗ vẫn trích. Nguyên nhân là do khi hạch toán thì các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có điều kiện cơ sở vật chất, trình độ quản lý khác nhau, nhập tại thời điểm khác nhau do đó lãi, lỗ không giống nhau nhưng khi trích lại trích số tiền trên một lít như nhau. “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ nghiên cứu thay đổi chính sách để có cơ chế trích quỹ và sử dụng phù hợp hơn"- ông Khái cho biết.
Trả lời về Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên để ở đâu cho việc quản lý chặt chẽ và minh bạch, ông Khái nói: Hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tại doanh nghiệp đầu mối, tuy nhiên kể cả sau khi kiểm tra chúng tôi tuyên bố doanh nghiệp làm đúng nhưng dư luận vẫn không tin, cho rằng, việc công khai quỹ và sử dụng quỹ không thường xuyên. Do đó theo tôi, nếu trên giác độ dư luận, để quản lý chặt chẽ nên mở tài khoản riêng, trước mắt nên để quỹ tại Kho bạc Nhà nước. Nhưng đứng về phía doanh nghiệp thì nếu nguồn vốn này để tại kho bạc không sử dụng thì rất lãng phí, không hiệu quả. Về lâu dài nên chọn giải pháp tối ưu nhất.
“Kết quả kiểm toán cho thấy, về cơ bản doanh nghiệp quản lý quỹ tốt, không sử dụng nguồn tiền đó trái với mục đích”- ông Khái khẳng định.
Nói rõ hơn quan điểm về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội- cho rằng: Dư luận đang đòi hỏi phải phân biệt rạch ròi, đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối. Nhưng theo tôi, về mặt quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp thì trong vòng 30 ngày, bản chất dòng tiền ấy thuộc về vốn lưu thông của doanh nghiệp. Nếu xét về dư luận xã hội thì nên đưa quỹ về Kho bạc Nhà nước là tương đối ổn. Tuy nhiên, với góc độ nghiên cứu thì bảo việc đưa quỹ về Kho bạc có hiệu quả không thì theo tôi là không hiệu quả. Tôi sẵn sàng thảo luận nhưng với điều kiện thông tin phải đa chiều. Chúng ta cứ đánh giá là quản lý quỹ không tốt nhưng qua kiểm toán, qua thanh tra, việc quản lý Quỹ bình ổn giá trong năm 2009 và 2010 tất nhiên vẫn có sai sót nhưng về cơ bản là doanh nghiệp làm tốt, không làm trái mục đích sử dụng quỹ!
Thanh Hương