Thứ sáu 25/04/2025 03:12

Trí tuệ nhân tạo: Trợ thủ đắc lực giúp Quốc hội đưa ra quyết sách

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành trợ thủ đắc lực giúp Quốc hội xem xét, đưa ra những quyết sách chính xác hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Chiều 19/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề "Quốc hội số và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số của Quốc hội" do Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội và ban hành Nghị quyết số 1343 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng Đề án chuyển đổi số của Quốc hội giai đoạn 2025-2030 và dự kiến duyệt trong tháng 3.2025. “Quốc hội nếu không tiến nhanh, tiến kịp theo yêu cầu mới thì sẽ chậm một bước”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, top 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Việt Nam kỳ vọng xếp hạng top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.

Đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; mục tiêu năm 2030 quy mô kinh tế số sẽ chiếm hơn 30% GDP và tăng lên 50% vào năm 2045.

Yếu tố then chốt xây dựng Quốc hội hiện đại

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tập trung quán triệt, thực hiện các nội dung trọng tâm.

Một là, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi là yếu tố then chốt, tất yếu để xây dựng Quốc hội hiện đại, dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.

Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành trợ thủ đắc lực giúp Quốc hội xem xét, đưa ra những quyết sách chính xác hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả giám sát và kết nối tốt hơn với cử tri và Nhân dân.

Quốc hội cần đi đầu trong việc đầu tư hạ tầng số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Hai là, thực hiện nhanh, có hiệu quả các Nghị quyết, đề án đã ban hành đối với Quốc hội; đào tạo, trang bị kỹ năng số, giúp đại biểu quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Phát triển hạ tầng số hiện đại, đầu tư xây dựng nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo… phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Ba là, tăng cường học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hiện đại trong hoạt động nghị viện, để phát triển các giải pháp với điều kiện thực tiễn của Quốc hội Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xem xét thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, mở đường cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đạt được thành tựu trong lĩnh vực này, vì sự phát triển bền vững của gia đình, xã hội, vì sự trường tồn của quốc gia và dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với sự quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết, chúng ta sẽ đạt được những bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng Quốc hội số, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Chủ tịch Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội: Sửa luật phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Chốt tiến độ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng

4 Thiếu tướng, 5 Đại tá quân đội nhận nhiệm vụ mới

10 ủy viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 2- Kiến tạo mô hình đa trung tâm

Xung lực mới đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển đột phá

Chủ tịch nước Lương Cường lên đường thăm cấp Nhà nước tới Lào

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam luôn coi trọng và củng cố quan hệ kinh tế với các nước

Đảng bộ Báo Công Thương: Đổi mới lãnh đạo toàn diện, hướng tới tờ báo kinh tế hàng đầu của đất nước

Phân quyền Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 1/5

Luật 57/2024/QH15: Tăng minh bạch, tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong đầu tư

Thủ tướng nêu 3 quyết tâm, 3 sứ mệnh tạo đột phá kinh tế số

Phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 1- Định hình không gian để chuyển mình, bứt phá

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Cử tri cả nước đề nghị xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc giả, sữa giả

Ngoại giao đi đầu kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc

Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết 2026