Trao giải thưởng văn học sáng tác về ngành Than
- Cuộc vận động sáng tác văn học được phát động nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống công nhân Mỏ- Truyền thống Ngành than (1936-2011). Trong thời gian ngắn ngủi, nhưng đã thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài ngành tham gia. Trên 50 tác giả, hơn 400 tác phẩm: văn, thơ, ký, trường ca, tiểu thuyết đã được gửi về ban tổ chức là kết quả đáng trân trọng - một thành công lớn của cuộc vận động sáng tác. Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 6 giải B và 8 giải C cùng nhiều giải khuyến khích cho các tác giả. Nhà văn, nhà báo Mai Phương, hiện đang công tác ở Văn phòng đại diện Báo Công Thương tại Quảng Ninh được trao giải A với chùm 3 bài bút ký.
Những tác phẩm văn xuôi đoạt giải cao trong đợt vận động sáng tác này là của các tác giả đã nhiều năm gắn bó với vùng mỏ. Những cột mốc đánh dấu sự chăm lo của các lãnh tụ đối với ngành Than như: “Bác Hồ và hơi ấm từ than”, “Thủ tướng Võ Văn Kiệt với ngành Than” của nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với công nhân mỏ và sự nghiệp làm than. Chùm bút ký: “Ở nơi hòn than lấp lánh sắc màu”, “Mông Dương chiều sâu lòng người” và “Cọc Sáu khúc tráng ca người thợ mỏ” của nhà văn, nhà báo Mai Phương nói lên tinh thần người thợ mỏ, nhiều thế hệ đã bằng trí tuệ, sức lực làm nên khúc tráng ca cho muôn đời sau. Bút ký Mai Vũ: “Đời than- Nước mắt- Mặt người” như một lơì nhắc nhở những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, ây cho người đọc sự xúc động sâu sắc. Truyện ngắn của Vũ Thế Hùng một nét khắc họa thời kỳ đen tối của vùng than khi chưa có Đảng và những người thợ mỏ, những người vô sản đã làm nên cuộc cách mạng to lớn. Vũ Tiến Luận để lại cho ta dòng sông ký ức về những con người làm mỏ: “Thầy và thợ”, “Chuyện tình bên dòng sông”. Trần Kim Anh với bút ký: “Mông Dương hôm nay” đã làm lay động người đọc về những con người thợ mỏ với sự nghiệp làm than một công việc vô cùng gian khổ, đến hạnh phúc đời thường cũng mong manh đến nhường nào. Mỗi tác giả tác phẩm đều có vẻ đẹp lấp lánh riêng tạo lên dàn đồng ca, ngợi ca vẻ đẹp của những con người vùng mỏ kiên cường với vùng công nghiệp đầy khốc nghiệt và thử thách.
Các tác phẩm thơ cũng khiến người đọc xúc động. Đó là Trần Tâm, Lê Tuấn Lộc với “Trên cao điểm 431”, “Ngày ngày chị nhặt”, “Ca 3 vùng mỏ”, “Vợ chồng thợ mỏ”.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó chủ tịch Hội nhà Văn - Nguyễn Tri Huân đánh giá, cuộc thi đã mang lại hiệu quả vô cùng lớn, góp phần làm sáng lên phẩm chất người thợ mỏ trong đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng hòa bình và bảo vệ tổ quốc suốt chặng đường 75 năm qua.
Phạm Tiệp