Tránh đứt gãy nguồn cung ứng: Cần cơ chế cho doanh nghiệp hoạt động trở lại
Doanh nghiệp đã đến giới hạn chịu đựng
Để giữ được đơn hàng, duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng, một số doanh nghiệp (DN) thành viên của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chấp nhận lỗ tổ chức “3 tại chỗ” để sản xuất. Tuy nhiên, như lời ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex, tập đoàn xác định chỉ thực hiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn nghỉ, cách ly tại chỗ) với ngành dệt, nhuộm bởi với những ngành này các nhà máy có diện tích lớn, lực lượng lao động không nhiều, có thể bố trí chỗ ăn, nghỉ cho người lao động. Tuy nhiên, “3 tại chỗ” không thể kéo dài bởi chỉ tuần đầu giữ được năng suất lao động, sang tuần sau sản xuất đã bắt đầu rệu rã. Với ngành may, do đặc thù đông lao động, DN rất khó và chỉ một số ít DN tổ chức được “3 tại chỗ” nhưng không thể duy trì được lâu.
Tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng cần cơ chế cho doanh nghiệp hoạt động trở lại |
Không chỉ dệt may mà nhiều ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam như da giày, thuỷ sản, điện tử… việc tổ chức “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” đang là những thách thức lớn. DN đang dần “hụt hơi” trước chi phí bỏ ra quá lớn, cộng hưởng với đó là những trở ngại đến từ vận chuyển khó khăn, thiếu nguyên liệu đầu vào, áp lực từ đối tác.
Cho rằng, vấn đề mà các DN đối mặt thời gian qua không phải là cung hay cầu mà chính là ở các nhà máy sản xuất và đứt gãy chuỗi giá trị và cung ứng, PGS.TS Trần Đắc Phu- Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, thông tin: “90% DN ngành da giày, dệt may, túi xách, điện tử phải đóng cửa vì không thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm 40%-50%. Ùn tắc hàng hóa khiến DN không đảm bảo tiến độ và bị huỷ hợp đồng”.
Trước diễn biến ngày một phức tạp và tái đi tái lại của dịch Covid-19, xác định chống dịch bệnh là cuộc chiến lâu dài. Điều này buộc hoạt động sản xuất phải chuyển trạng thái với những phương án mới, phù hợp. “Dứt khoát phải thay đổi về phương án sản xuất kinh doanh dựa trên những chính sách linh hoạt và dứt khoát phải mở cửa từng bước nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam, nhấn mạnh.
Linh hoạt giải pháp, mở cửa cho doanh nghiệp
Đồng tình với quan điểm của VCCI, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có cơ chế để các DN được phép hoạt động trở lại với điều kiện trong quy trình sản xuất đảm bảo giãn cách, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các tổ đội, đầy đủ trang thiết bị phòng dịch cá nhân... “Sách lược để cho phép DN sản xuất là cần phải linh hoạt để đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Đại diện cho các DN sản xuất da giày trong nước, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất: “3 tại chỗ” có lợi ích khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhưng để phù hợp với nhiều DN cần phải có lộ trình mở ra thêm hình thức “2 tại chỗ” (ăn uống và làm việc tại chỗ). Mỗi DN cần được đào tạo để trở thành một CDC của DN để có thể ứng phó với những tình huống dịch bệnh ập đến. Mỗi DN, ngành hàng có đặc thù khác nhau, nếu áp một cách khiên cưỡng chung một mô hình là thất bại. DN cũng cần chủ động đề xuất những phương án hoạt động phù hợp và có sự kiểm soát của địa phương.
“Khi dịch bệnh diễn biến trong tầm kiểm soát, có chiều hướng ổn định hơn phải mở cửa với giải pháp “2 tại chỗ” kết hợp test nhanh cùng sự nỗ lực tham gia của DN trong cuộc chiến phòng chống dịch covid-19. Vaccine là lời giải cho mọi khúc mắc hiện nay đồng thời đẩy nhanh quá trình mở cửa của DN.
Khảo sát cho thấy, các DN đều đang ở tình thế chờ đợi, hiện chỉ các DN “3 tại chỗ” mới được tiêm vaccine, còn những DN đóng cửa lại không được tiêm, như vậy là hơi bất hợp lý. “Chiến lược tiêm vaccine rất cần hướng đến những DN đang khó khăn để các đối tượng này dần hoạt động trở lại”, bà Phan Thị Thanh Xuân bày tỏ.