Trạm biến áp không người trực: Giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí
Theo ông Nguyễn Hữu Long - Phó giám đốc quản lý, điều hành PTC1 - tháng 6/2017, HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông qua đề án xây dựng các trung tâm điều khiển và triển khai TBAKNT của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Mục tiêu đề án tập trung vào việc nâng cấp, trang bị hệ thống công nghệ để cho phép 3 Trung tâm điều độ Hệ thống điện thu thập dữ liệu vận hành và điều khiển từ xa đối với các thiết bị chính trong các TBA 220kV. Công nghệ sẽ thay thế một số nhiệm vụ của nhân viên vận hành. Lực lượng lao động tại các TBA 220kV được cơ cấu, tổ chức lại với số lượng ít hơn cả đầu mối lẫn số lượng. Thay vì mô hình với 11 lao động /1TBA 220kV, sẽ còn 5 lao động với 1 TBA ở địa bàn xa hoặc nhóm 11 lao động với TTVH quản lý một cụm 5 TBA 220kV đã được điều khiển xa thành công. Các TTVH cũng được trang bị thiết bị để giám sát tình trạng các TBAKNT thuộc phạm vi quản lý của trung tâm.
Thu thập các thông số hoàn toàn tự động |
Tại TTVH Mai Động - nơi quản lý 3 TBA 220 kV Kim Động, Long Biên và Bắc Ninh 2 cấp điện cho Thủ đô, ông Vũ Sơn Hà - Phó giám đốc Truyền tải điện Hà Nội, đơn vị quản lý trực tiếp - cho biết: Truyền tải điện Hà Nội đang có TTVH Mai Động và Hà Đông với 5 TBAKNT. Theo công nghệ truyền thống, nhân viên vận hành trong ca trực tại TBA phải thường xuyên kiểm tra thiết bị, ghi chép báo cáo thông số vận hành. Trường hợp muốn tách thiết bị sửa chữa, nhân viên vận hành phải ra tận hiện trường để thực hiện thao tác. Nhưng đến nay, sau khi các TBA được tích hợp công nghệ giám sát, điều khiển xa, việc lấy thông số đã được tự động hóa cung cấp dữ liệu về TTVH. Hoạt động thao tác được thực hiện từ hệ thống máy tính đặt ở trung tâm điều độ.
Việc triển khai mô hình mới đã nâng cao khả năng tự động hóa, tạo sự linh hoạt trong vận hành đồng thời tiết kiệm được lao động. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu triển khai đề án, đã xuất hiện một số tình huống cần xem xét điều chỉnh cụ thể hơn. Đơn cử, tại TTVH Mai Động, hiện chỉ có 2 người, do vậy khi cắt điện để sửa chữa đường dây 220kV Long Biên - Bắc Ninh 2, trong tình huống đột xuất, chưa huy động kịp nhân lực, lực lượng vận hành phải di chuyển từ Mai động để đi Long Biên, rồi mới tới Bắc Ninh 2 để thực hiện thao tác đóng tiếp địa, gây kéo dài thời gian hơn so với cách bố trí truyền thống trước đây.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Long, năm 2019 PTC1 dự kiến sẽ có thêm 13 TBA hiện có chuyển sang không người trực. Việc đưa vào vận hành các TBAKNT không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động mà còn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.