TP.Hồ Chí Minh: Nhiều điểm nghẽn khi phát triển mạng lưới xe đạp công cộng
Đây là những ý kiến đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về sự cần thiết và tiềm năng phát triển của hệ thống xe đạp công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, do Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị tổ chức tại buổi tọa đàm ngày 3/5/2019.
Theo viện Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, ở các nước, hệ thống xe đạp công cộng bắt đầu thực hiện từ thập niên 1960 tại Amsterdam-Hà Lan. Người sử dụng hệ thống xe đạp công cộng sẽ trả phí để thuê xe đạp có sẵn để sử dụng với khoảng cách ngắn, theo một lộ trình nhất định. Hệ thống xe đạp công cộng góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông và môi trường, đồng thời tạo điều kiện rèn luyện sức khỏe và thư giãn giải trí cho người dân, và nhiều quốc gia đã khuyến khích người dân sử dụng. Nhờ internet và kỹ thuật số, quy trình lấy xe, trả xe, trả phí sử dụng ngày càng nhanh chóng và thuận tiện.
Theo các chuyên gia về giao thông đô thị, để hệ thống xe đạp công cộng ở TP. Hồ Chí Minh phát triển cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư |
Theo Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị, năm 2017 các doanh nghiệp xe đạp công cộng thiết lập dịch vụ tại Singapore và hiện có khoảng 1 triệu người dân quốc gia này sử dụng xe đạp. Tại Đài Loan, xe đạp công cộng ra đời năm 2009, đến cuối năm 2017, đường dành riêng cho xe đạp đạt 502,39 km và có 15.572 xe đạp, tỷ lệ sử dụng xe đạp công cộng tăng 18,7% so với năm 2016. Tại TP. New York - Hoa Kỳ, khu vực dành riêng để phục vụ cho xe đạp công cộng là 30 km2 và có 815.558 người tham gia. Năm 2014, tổng số lượt người sử dụng là 9.091.987, năm 2017 tăng lên hơn 50.000.000 lượt người tham gia.
TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 triệu dân (chưa kể một lượng lớn khách vãng lai), hệ thống xe đạp công cộng có tiềm năng để phát triển cùng với sự khuyến khích đầu tư từ Nhà nước. Cụ thể, ngày 27/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống giao thông công cộng đang trong quá trình hình thành và phát triển. Ý thức bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe và thư giãn, giải trí của người dân TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Đề án “Xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025” là những cơ sở để hệ thống xe đạp công cộng phát triển, trở thành hiện thực.
Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian gần đây thành phố đã có những kế hoạch liên quan đến việc phát triển hệ thống xe đạp công cộng. Tháng 7/2017, Công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam đã đề xuất dự án đầu tư hệ thống xe điện hai bánh công cộng; quy mô giai đoạn thí điểm là 1.000 xe bố trí tại 74 vị trí trên địa bàn quận 1 với tổng đầu tư 15,5 tỷ đồng. Sau 3 năm thí điển, dự án này sẽ nâng lên 50.000 xe trên toàn bộ địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Tháng 12/2017, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã làm việc với chính quyền thành phố để triển khai mô hình xe đạp thông minh với mục đích giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tháng 4/2018, Dự án giao thông công cộng Easy Move tại Khu đô thị Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Tân Kỷ Nguyên triển khai với 100 xe đạp công cộng thông minh và 5 trạm.
Một điểm đỗ xe đạp công cộng tại đô thị khi được triển khai |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chương trình phát triển hệ thống xe đạp công cộng ở TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải những “điểm nghẽn” cần phải khai thông trước khi triển khai. Đi xe đạp trong nôi ô thành phố có nhiều điểm lợi, nhưng cũng gặp nhiều trở ngại như điều kiện khí hậu bất lợi (nắng nóng, mưa nhiều); điều kiện hạ tầng giao thông dành cho xe đạp còn nhiều hạn chế; việc sử dụng xe đạp (có tốc độ thấp) có thể gây cản trở giao thông nếu lưu thông cùng xe mô-tô, xe gắn máy; thói quen sử dụng xe máy của người dân đã hạn chế việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng.
Giới chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng, để nhiều chiếc xe đạp công cộng lăn bánh phổ biến trên đường phố, các giải pháp quan trọng nhất là đưa chủ trương phát triển hệ thống xe đạp công cộng (xe, trạm đỗ, làn / tuyến đường dành cho xe đạp …) bổ sung vào Quy hoạch chung cũng như Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh. Khi triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; khắc phục nhược điểm của điều kiện khí hậu qua việc tăng cường cây xanh che nắng, các điểm trú mưa; cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông dành cho xe đạp như dành các làn riêng cho xe đạp trên lòng đường, tổ chức làn riêng trên vỉa hè; thúc đẩy việc sử dụng xe đạp nói chung và xe đạp công cộng nói riêng của người dân đô thị.