TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng phát triển điện mặt trời trên mái nhà còn rất lớn
Tiềm năng điện mặt trời rất lớn
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc - Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) - cho biết, TP. Hồ Chí Minh có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm. Cụ thể, vào mùa khô số giờ nắng lên tới 300 giờ, mùa mưa số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN.
Tiềm năng phát triển điện mặt trời trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà |
Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố (TP) khác của Việt Nam.
Trước nhu cầu điện gia tăng đột biến trong thời gian qua, EVNHCMC định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Sau một thời gian triển khai, đến nay, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của TP.
Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lắp đặt được 6.407 công trình ĐMTMN với công suất là 81,97 MWp. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có thêm 856 công trình với công suất là 16,24 MWp. Tổng sản lượng ĐMTMN phát ngược lên lưới điện trong 3 tháng đầu của năm 2020 là 9,11 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán tiền mua ĐMTMN là 5,67 tỷ đồng.
Thời gian tới, để đáp ứng được đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng này tiếp tục được nâng cao do tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN.
Qua khảo sát sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của một số nhóm như sau: Nhóm hành chính sự nghiệp, bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông khoảng 153,95 MWp; Nhóm sản xuất khoảng 1.471,77 MWp; Nhóm thương mại khoảng 145,88 MWp… Nếu có các cơ chế chính sách phù hợp thì ĐMTMN sẽ có khả năng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp khuyến khích phát triển điện mặt trời
Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam thay cho Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017.
Theo quyết định trên, giá mua điện với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện nổi và điện trên mái nhà. Trong đó, các dự án ĐMTMN đang thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, có giá mua mới là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương với 8,38 UScents/kWh). Giá mua này được áp dụng cho hệ thống có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống và có xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020, áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành (cho cả 3 loại hình).
Như vậy, cơ chế mua bán điện mặt trời theo quyết định mới của Chính phủ đã tạo ra hấp dẫn cho các hộ gia đình và nhiều nhà đầu tư tham gia.
Để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng ĐMTMN, EVNHCMC tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời. Theo đó, EVNHCMC liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, ngân hàng phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình giảm giá, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau … để khuyến khích khách hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham gia thực hiện. Đồng thời cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng được tốt nhất.
Ngoài ra, thông qua Sở Công Thương TP kiến nghị với UBND TP. Hồ Chí Minh có các cơ chế: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng ĐMTMN; Cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp; cơ quan, trường học, bệnh viện và các DN Nhà nước trên địa bàn TP tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư lắp đặt các hệ thống ĐMTMN để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện. Đồng thời, đưa việc lắp đặt ĐMTMN thành yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn như các chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn…