TP. Hồ Chí Minh: Tăng dự trữ hàng hoá thiết yếu
Thông tin được ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 23/7.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì tại điểm cầu UBND TP. Ảnh Huyền Mai |
Số ca nhiệm Covid vẫn còn tăng cao
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh tại TP vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm cộng đồng của TP từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp. Trong đó từ ngày 9 tháng 7 đến 6 giờ ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa. Ngoài ra số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh đã quyết liệt triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 15 ngày triển khai thực hiện, TP đã chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở để cùng phối hợp triển khai. Đặc biệt, TP đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất lớn của nhân dân với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.
Theo ông Dương Anh Đức, việc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn TP cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TP.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, kết quả 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng thừa nhận, mặc dù TP đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn TP
Ngoài ra, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TP tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương hạn chế nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
Song song đó, việc thực hiện của các doanh nghiệp (DN) đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc thực hiện được phương châm “1 cung đường 2 địa điểm” còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, song hầu hết các DN đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân
Nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, TP đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Hiện nay tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn đã có sự ổn định, hàng hóa luôn được đảm bảo đầy đủ trên các quầy kệ tại các hệ thống phân phối với giá bán ổn định, được niêm yết công khai cùng với nhiều kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa. Qua đó đã giúp cho người dân yên tâm, không còn tập trung đi mua sắm so với thời điểm trước khi có thông tin TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và thời điểm trước khi TP có chủ trương dừng hoạt động của DN trên địa bàn, nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mùa dịch |
“Hiện nay, sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường TP. Hồ Chí Minh trung bình hơn 5.000 tấn/ngày. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân, TP đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, DN bình ổn thị trường TP nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Ngoài các hệ thống siêu thị cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa. TP cũng đã tăng cường tổ chức các điểm bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động trên khắp địa bàn với nhiều mô hình mới như xe bus bán thực phẩm lưu động…, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến người dân tại từng địa bàn dân cư. Tính đến ngày 22/7, TP đã tổ chức được 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận huyện và TP. Thủ Đức.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa hình thành thêm một kênh bổ trợ, chuỗi cung ứng “linh hoạt” phục vụ kịp thời nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó có hơn 1.000 điểm bán/ngày với giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bình ổn thị trường, giúp mọi người dân đều được tiếp cận nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Đặc biệt, để từng bước khôi phục hoạt động của chợ truyền thống, hiện TP đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người dân đi chợ như mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” (đang thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12); mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” (đang thí điểm tại chợ Bình Thới, quận 11). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình, TP sẽ triển khai nhân rộng thực hiện đồng bộ cho các chợ truyền thống trên địa bàn.
“Trên cơ sở các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc phát sinh, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tương Chính phủ và Chỉ thị số 12 của Thành ủy, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong…”- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.