TP. Hồ Chí Minh: Tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu từ 18 giờ ngày 3/5
Theo đó, kể từ 18 giờ ngày 3/5, ngoài các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đã chỉ đạo tạm dừng tại công văn số 1327, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tạm dừng hoạt động các dịch vụ văn hóa, giải trí, các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (Internet, game), các sự kiện thể thao tập trung đông người.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Ảnh Hoàng Hùng |
Các hoạt động thể dục, thể thao tuy được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động tổ chức tập luyện của các đơn vị thể dục thể thao. TP. Hồ Chí Minh cũng tạm dừng tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo chưa cần thiết. Các hội nghị, hội thảo đã có chủ trương chấp thuận của UBND TP, các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện phải giảm quy mô, tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các hoạt động tôn giáo, hội họp tùy theo quy mô, điều kiện không gian để cân đối số lượng người tham dự không quá 50% sức chứa của địa điểm tổ chức. Đồng thời, tiến hành đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể Thao, Sở Du lịch, Sở Công Thương, Công an TP. Hồ Chí Minh, các sở, ngành liên quan, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi, kiểm tra và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.
Sẵn sàng phương án xử lý tình huống dịch trong cộng đồng
Trước đó sáng ngày 3/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn đánh giá và triển khai các giải pháp về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
GS-TS. Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, liên quan đến đến bệnh nhân 2.910, là F1 của ca bệnh 2.899 tại tỉnh Hà Nam, lưu trú tại khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, được xác định mắc Covid-19 chiều 29/4. Đến nay, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy 40 mẫu F1 và 74 mẫu F2 và tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính. Các trường hợp cùng chuyến bay từ Nhật Bản với bệnh nhân 2.899 trên chuyến bay VJ3613 có 19 người ở thành phố qua xét nghiệm cũng có kết quả âm tính.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục hướng dẫn, giám sát các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý tình huống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Trong đó, chuẩn bị đầy đủ biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao Sở Y tế và các đơn vị, thời gian qua đã có nhiều cố gắng để giữ vững được thành quả trong phòng chống dịch. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh có ca nhiễm bệnh từ ca 2.988, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã rất chủ động trong công tác phòng chống, truy vết. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra các trường hợp ở các nơi tập trung đông người… Hiện TP. Hồ Chí Minh đã tạm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, trong 4 ngày qua xuất hiện chuỗi 2 ca mắc Covid-19 lớn ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù, 2 chuỗi lây nhiễm chưa ảnh hưởng lớn đến thành phố. Song TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, nhất là sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân từ nhiều tỉnh, thành trở về thành phố.
Do đó, các đơn vị cần xác định TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nguy cơ bùng phát dịch rất cao, phải luôn luôn trong tâm thế hết sức cảnh giác cao, không được phép chủ quan. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương cũng như của TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch hiện nay.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, tất cả các lãnh đạo, thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện phải thực hiện nghiêm yêu cầu “khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ và chủ động” trong phòng chống dịch. Các cơ quan, đơn vị, công sở, nhà máy, trường học yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên ra khỏi TP. Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 phải khai báo đầy đủ thông tin và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về khai báo.
“Xử phạt nghiêm những cá nhân không chấp hành việc khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực. Sở Y tế tham mưu thành lập các tổ xét nghiệm, cố gắng đảm bảo xét nghiệm 50.000 mẫu đơn/ngày” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo.