TP. Hồ Chí Minh: Nỗi lo ô nhiễm môi trường - Kỳ I: Ô nhiễm từ rác và nước thải
Bãi rác Đa Phước gây ô nhiễm nặng nề cho khu vực phía Nam Sài Gòn |
Rác Đa Phước - nỗi kinh hoàng của người dân Nam Sài Gòn
Nhiều người dân ở khu vực Nhà Bè, quận 7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH) cho biết, thực chất mùi hôi thối đã xuất hiện khoảng 3 - 4 năm nay. 4 tháng gần đây, mùi hôi thối gia tăng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, sinh hoạt bị xáo trộn.
Chị Mai Vân - khu Mỹ Viên, chị Ngọc Anh - khu Mỹ Thái 2, Chị Thu Hà - khu Sky 3 và cư dân hàng loạt khu phố khác thuộc Khu đô thị PMH và Nam Sài Gòn như Hoàng Anh Gia Lai 3, Sunries city, Nam Long chia sẻ, họ phải đóng cửa kính, mở máy lạnh từ lúc đi làm về đến sáng hôm sau. Người già, trẻ nhỏ không dám ra đường đi dạo bởi bầu không khí hầu như lúc nào cũng bị ô nhiễm, đặc biệt từ chiều đến đêm.
Trước thực trạng trên, ngày 3/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP. Hồ Chí Minh vào cuộc điều tra và có phương án giải quyết tình trạng này. Cũng trong tháng 9/2016, UBND đã có kết luận “thủ phạm” chính của mùi hôi thối ở khu vực Nam Sài Gòn chính là Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) hay còn gọi là bãi rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đầu tư.
Dự án có vốn đầu tư hơn 90 triệu USD, khởi công tháng 7/2005 trên diện tích 138ha, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn 1 của dự án bao gồm bãi chôn lấp có diện tích khoảng 30,6ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3... cùng nhiều hạng mục khác đã có nhiều sai phạm.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá khoa học về dự án Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước của tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, theo sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM, hoàn tất vào tháng 5/2016 thì dự án có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Dự án xử lý rác Đa Phước đã xây dựng trước khi được cấp phép và tiếp nhận rác vào thời điểm công trình dở dang nên các hạng mục chưa hoàn thành nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Một số hạng mục chính của công trình phục vụ công tác chôn lấp vẫn chưa hoàn thành như: Sàn trung chuyển rác; Nhà máy chế biến compost; Hệ thống xử lý nước rác…
Về mặt giám sát vận hành bãi chôn lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường không thể giám sát được quá trình đầu tư các hạng mục và quy trình xử lý rác theo cam kết trong dự án khả thi. Việc giám sát và đánh giá ô nhiễm nguồn nước rỉ rác từ bãi rác ra các kênh rạch phụ không thể đánh giá, vì không có kế hoạch và phương tiện kỹ thuật trạm quan trắc độc lập kết nối dữ liệu phân tích… Và ước tính thiệt hại cho ngân sách thành phố về chênh lệch giá xử lý rác trong 8 năm qua khoảng 1.425 tỷ đồng (tính đến 31/12/2015), một con số “khủng” so với quy mô của dự án.
Mặt khác, hiện công suất bãi chôn lấp xử lý rác khu Đa Phước 3.000 tấn rác/ngày nhưng đã bị nâng lên 5.000 tấn/ngày do bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) với công suất tiếp nhận 2.000 tấn rác/ngày ngừng hoạt động gần 1 năm trước đây (không rõ lý do?) và dồn sang Đa Phước khiến bãi rác này ngày càng quá tải và gây ô nhiễm nặng.
Trước những sai phạm và mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng của bãi rác Đa Phước, nhiều cơ quan chức năng của thành phố đã vào cuộc nhằm đưa ra các giải phạm trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện này mùi hôi thối không hề giảm mà ngày càng đậm đặc từ chiều tối đến sáng hôm sau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe dân sinh khu vực này.
Nhiều nghi vấn
Bên cạnh thủ phạm ô nhiễm - bãi rác Đa Phước - người dân khu Đô thị PMH cũng nghi ngờ về việc xử lý nước thải của khu đô thị có vấn đề!
Trong thư kiến nghị của cư dân Khu đô thị PMH gửi đến Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Phòng Tài nguyên môi trường, UBND quận 7 và Công ty Liên doanh PMH đã nêu rõ việc đại diện Công ty PMH từ chối cung cấp thông tin về những giấy tờ liên quan tới khu xử lý nước thải là không minh bạch và vi phạm luật.
Tại hai cuộc họp giữa đại diện cư dân tại hàng loạt khu phố: Chateau, Phú Gia, Mỹ Viên, Nam Đô, StarHill, RiverPark, Mỹ Gia, Riverside… và Công ty PMH diễn ra vào ngày 27/8 và 8/9/2016, yêu cầu của cư dân về việc công bố những giấy tờ liên quan đến khu xử lý nước thải của PMH đã bị công ty này “lờ” đi và từ chối cung cấp.
Nghi vấn trên không phải không có cơ sở khi cư dân khu phố The Panorama cho biết, trước đây khu phố này vẫn dùng nước thải đã qua xử lý của khu đô thị để tưới cây xanh trong khuôn viên và xả nước vào hồ tiểu cảnh, nhưng khoảng 4 năm trở lại đây không thể sử dụng vì tưới cây bị chết, nước xả vào hồ nhanh có rêu và muỗi nên phải dùng nước máy để thay thế.
Phóng viên Báo Công Thương đã mục sở thị khu xử lý nước thải khu đô thị PMH và không khỏi bất ngờ thấy một khu xử lý nước thải nhỏ xíu, nhếch nhác, nằm trong vườn cây um tùm…
Kỳ II: Khói bụi và nước thải công nghiệp - “Kẻ thù” của người dân