TP. Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài
TP. Hồ Chí Minh đang tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao |
Như vậy, tính tổng vốn FDI trong 9 tháng/2018 của TP. Hồ Chí Minh trong hoạt động đăng ký cấp phép mới, tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần đạt 5,47 tỷ USD. Với kết quả này TP. Hồ Chí Minh xếp vị trí thứ 2 cả nước (sau Hà Nội) trong hoạt động thu hút vốn FDI.
Các dự án đầu tư tập trung trong các ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 35 dự án, vốn đầu tư đạt 146,2 triệu USD (chiếm 22,8%); hoạt động kinh doanh bất động sản 27 dự án, vốn đạt 129,4 triệu USD (chiếm 20,2%); thương mại 263 dự án, vốn đầu tư 177,3 triệu USD (chiếm 27,7%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 173 dự án, vốn đầu tư 85,8 triệu USD (chiếm 13,4%)...
Trong 9 tháng/2018 có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn TP. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 148 dự án, vốn đầu tư đạt 179,7 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn cấp mới. Kế đến là Singapore 108 dự án, vốn đầu tư 164,8 triệu USD, chiếm 25,7%; Na Uy 3 dự án, vốn đầu tư 70,1 triệu USD, chiếm 10,9%; Nhật Bản 110 dự án, vốn đầu tư 64,7 triệu USD, chiếm 10,1%; Hồng Kông 38 dự án, vốn đầu tư 36,6 triệu USD, chiếm 5,7%..
Năm 2018 cũng là năm đánh dấu 30 năm Việt Nam thu hút vốn FDI, trong đó TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước. Nhằm tăng cường thu hút vốn FDI trong thời gian tới, mới đây UBND TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi một số quy định về đầu tư kinh doanh theo hướng quy định cụ thể hơn các thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư về thẩm quyền, phạm vi điều chỉnh và nội dung thẩm tra; tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương đối với việc quyết định chủ trương các dự án đầu tư trên địa bàn; sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh; nghiên cứu chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các Tập đoàn đa quốc gia, và chính sách riêng đối với từng Tập đoàn, nhà đầu tư đến từ các quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Pháp…
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát các lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các trường hợp đã cho phép nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam thì đưa thành nguyên tắc xem xét có cho phép hay không đối với các trường hợp tương tự hoặc quy định các điều kiện chi tiết hoặc khung tiêu chuẩn đáp ứng tối thiểu cho nhà đầu tư nước ngoài để xem xét, đầu tư vào những lĩnh vực chưa cam kết đó, giảm bớt tình trạng địa phương phải lấy ý kiến từng Bộ, ngành cho từng trường hợp. Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu hoặc dự án tác động xấu đến môi trường, chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, xử lý các vụ tranh chấp liên quan đến đầu tư tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào Việt Nam…