TP. Hồ Chí Minh: Kênh phân phối tăng cường nguồn hàng phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019
Đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa nhập vào 3 chợ đầu mối của thành phố đạt bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản; chiếm khoảng 60 - 70% thị trường. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Nhằm triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành bạn đang phân phối tại 3 chợ đầu mối, đồng thời đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch “Thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ phục vụ hoạt động kinh doanh của 3 chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”.
Chương trình đã nhận được sự đồng thuận, tích cực phối hợp của Sở Công Thương Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… nên được triển khai thuận lợi. Đến nay, các mặt hàng củ cải trắng, củ cải đỏ, cải sú, cải sậy, cải thảo đã được sơ chế, đóng gói trước khi vào chợ đầu mối. Dự kiến đến thời điểm 31/12/2018 cơ bản hoàn thành việc hàng hóa được sơ chế trước khi đưa vào chợ đầu mối.
Các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến tăng lượng hàng phục vụ Tết từ 2-3 lần so với tháng thường |
Bên cạnh đó, thành phố hiện có 207 siêu thị (tăng 18 siêu thị so với đầu năm 2018), 43 trung tâm thương mại (tăng 03 trung tâm thương mại so với đầu năm), 1.100 cửa hàng tiện lợi (tăng 218 cửa hàng, chủ yếu là cửa hàng tiện lợi của hơn 20 chuỗi như Co.opFood, SatraFoods, Vissan, Foodcomart, Shop & Go, Circle K, Family mart,…) đang góp phần tích cực vào phát triển hệ thống phân phối hiện đại của thành phố.
Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán năm nay, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 02 - 03 lần so với tháng thường.
Đặc biệt, trong tháng cận Tết để kích thích mua sắm tiêu dùng các đơn vị như Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C... còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Không tăng giá bánh kẹo, nước giải khát
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ tăng cao. Trong đó, mặt hàng bia dự kiến tiêu thụ khoảng 42,2 triệu lít và nước giải khát khoảng 48,5 triệu lít, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Về các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt - dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 18.500 tấn.
Hiện Sở Công Thương đã nhận được thông tin từ các nhà máy bia khẳng định giá bia xuất xưởng sẽ không tăng vào dịp Tết. Các mặt hàng bia, giá bán lẻ dao động từ 325.000 đồng/thùng đến 392.000 đồng/thùng, tùy thương hiệu. Các mặt hàng nước ngọt, giá bán lẻ dao động từ 209.000 đồng/thùng đến 214.000 đồng/thùng, tùy thương hiệu.
Đối với bánh kẹo, các công ty bánh kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn giá bán lẻ bánh Kinh Đô dao động từ 60.000 - 250.000 đồng/hộp, bánh Bibica từ 110.000 – 120.000 đồng/hộp…
Theo bà Trang, nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa Sở sẽ chủ trì, phối hợp UBND 24 quận - huyện, các lực lượng chuyên ngành cùng với Trưởng Ban quản lý các chợ truyền thống quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc; Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất với các bộ - ngành có liên quan biện pháp nhằm ổn định thị trường; Sở cũng sẽ phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện cung cấp thông tin về diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, kế hoạch cung ứng hàng Tết... và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.