Thứ sáu 29/11/2024 14:21

TP. Hồ Chí Minh: Giải bài toán thiếu nguồn cát san lấp cho đường vành đai 3

Một số gói thầu thuộc đường vành đai 3 đi qua TP. Hồ Chí Minh đang phải thi công cầm chừng hoặc chuyển qua thi công hạng mục khác để chờ nguồn cát san lấp.

Lo ngại chậm tiến độ

Được khởi công giữa năm 2023, dự án đường Vành đai 3 đi qua TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được đầu tư giai đoạn một với tổng chiều dài hơn 76 km, kinh phí gần 75.400 tỷ đồng.

Trong đó, phần qua TP. Hồ Chí Minh dài nhất với hơn 47 km nhưng nhu cầu cát đắp cho toàn tuyến hiện ước tính khoảng 9,3 triệu m3.

Hiện, Ban quản lý dự án đã ký hợp đồng 10 gói thầu xây lắp chính với tổng giá trị hợp đồng khoảng 18.846 tỉ đồng (gói thấp nhất 1.411 tỉ đồng, gói cao nhất 2.304 tỉ đồng).

Các nhà thầu đã được tạm ứng với tỉ lệ từ 18 - 26% giá trị hợp đồng (thấp nhất 269 tỉ đồng, gói cao nhất 600 tỉ đồng) để triển khai hợp đồng, tổ chức thi công lần lượt từ tháng 6/2023 đến đầu năm 2024. Trong khi đó, mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành, đạt hơn 98,4%.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh, năm 2024 dự án cần hơn 6 triệu m3, riêng đoạn qua thành phố khoảng 4,7 triệu m3. Nguồn cát khan hiếm đang là khó khăn lớn khi thực hiện dự án.

“Hiện đất đắp nền đường, đá xây dựng và cát xây dựng đã cơ bản đáp ứng phục vụ cho dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Riêng nguồn cát đắp nền đường đang gặp nhiều khó khăn”, ông Phúc cho biết.

Dự án đường vành đai 3 nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn cát san lấp.

Nguyên do là bởi các tỉnh đang ưu tiên cung cấp cát cho các dự án trong tỉnh và cấp cho các dự án cao tốc Bắc Nam, chưa có chủ trương cấp cho các dự án ngoài tỉnh khác. Vì vậy, dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn và nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, nhiều tháng qua, một số gói thầu xây lắp số tuyến vành đai 3 đi qua địa bàn TP. Thủ Đức phải thi công cầm chừng vì nguồn cát san lấp được khai thác nhỏ giọt.

Một số nhà thầu cho biết, khó khăn nguồn vật liệu nên nhà thầu không thể thi công đồng loạt dù đã hoàn tất thu dọn mặt đường, đào bóc nền đất cũ để triển khai đắp nền mới theo tiêu chuẩn.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thấy sau hơn nửa năm khởi công, khối lượng cát được nhà thầu huy động đến công trường vành đai 3 mới đạt khoảng 0,4/9,3 triệu m3 theo yêu cầu, không đáp ứng tiến độ thi công.

Giải bài toán nguồn cát san lấp cho dự án

Trước thực trạng nguồn cát san lấp khan hiếm, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp với các bộ ngành, địa phương liên quan về bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự án đường vành đai 3 là dự án quan trọng, chiến lược trong kết nối TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; có đủ nguồn cát đắp nền thì tiến độ của cả dự án đường vành đai 3 mới theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo tiến độ của dự án, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất khối lượng cát đắp nền cụ thể: Trong tháng 4 là 450 nghìn m3; tháng 5 là 330 nghìn m3; tháng 6-8 là 2,3 triệu m3; tháng 9-12 là 3,4 triệu m3.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Về cung ứng nguồn cát san lấp cho đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang sẽ đáp ứng cho dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh khoảng 6,3 triệu m3 (trong năm 2024 là 3,8 triệu m3).

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3 và có thể cung cấp nhiều hơn cho TP. Hồ Chí Minh so với cam kết 850 nghìn m3.

Đại diện UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp cũng báo cáo về phương án điều chuyển khoảng 400 nghìn m3 cát khai thác phục vụ các dự án cao tốc Bắc – Nam cho dự án đường vành đai 3 của TP. Hồ Chí Minh.

Liên quan đến vấn đề cát san lấp cho đường vành đai 3, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ ngành, địa phương liên quan về bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, việc xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và công trình cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất cấp thiết. Đây là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các tỉnh thành có dự án đi qua.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Trong đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường. Đến nay, về cơ bản đã bố trí được nguồn vật liệu san lấp để các dự án không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc triển khai ở một số dự án chưa tốt, chưa xây dựng kế hoạch về nhu cầu vật liệu cho từng tháng, quý, năm. Bên cạnh đó, còn có sự lúng túng trong việc phối hợp tìm kiếm, điều phối nguồn vật liệu (mỏ vật liệu).

Một số địa phương có nguồn vật liệu nhưng chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục cấp phép và khai thác mỏ vật liệu có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ngay tổ công tác liên ngành có sự tham gia của các bộ ngành liên quan để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp cho dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổ công tác trực tiếp làm việc với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vận dụng các cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép trong thăm dò, cấp phép và khai thác vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Phó thủ tướng lưu ý ưu tiên tiêu chí an toàn môi trường và chất lượng tài nguyên trong quá trình thực hiện việc cấp phép, khai thác vật liệu (đối với từng địa phương: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh phải nêu rõ khu vực dự kiến khai thác, nạo vét), báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 15/4.

Bộ Giao thông Vận tải và UBND các địa phương chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn huy động các chuyên gia kỹ thuật giỏi, máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ thi công và giám sát thi công, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu, giám sát sự tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường.

Sỹ Đồng
Bài viết cùng chủ đề: TP. Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Phát động Ngày hội mua sắm trực tuyến và các sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Hải Dương: Kinh tế - xã hội phục hồi rõ nét, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Quảng Ninh quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Quảng Ninh: Quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng địa bàn không có tệ nạn ma túy

Lai Châu công bố các quyết định về công tác cán bộ

Hơn 200 gian hàng hội tụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024

Quảng Ninh phát triển kinh tế biển xanh bền vững gắn với bảo tồn giá trị văn hóa

Hơn 242 tỷ đồng ủng hộ, chung tay cùng tỉnh Quảng Ngãi xóa nhà tạm, nhà dột nát

Quảng Ninh: Định hướng phát triển mới, hướng tới mục tiêu cao hơn

Lai Châu: Tập huấn công tác bảo vệ bí mật Nhà nước

Thanh Hóa: Nguyên nhân nào khiến các dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chậm tiến độ?

Quảng Ninh: Nâng tầm du lịch với hạ tầng hiện đại, dịch vụ chất lượng

Lai Châu: Tổ chức diễn đàn và tặng Bằng khen cho 10 thanh niên khởi nghiệp xuất sắc

Bình Dương: khởi công dự án chung cư dành cho người thu nhập trung bình

TP. Hải Phòng hướng đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững

Quảng Ninh khẳng định vai trò đầu mối, thúc đẩy liên kết vùng

An Giang: 'Trải thảm đỏ' thu hút đầu tư hàng loạt dự án công nghiệp lớn

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An