TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch y tế
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch Thành phố đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả khả quan. Năm 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến TP.Hồ Chi Minh ước đạt 7,5 triệu lượt khách, tăng 17% so với năm 2017. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế ước đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 12,1% so với năm 2018, doanh thu đạt 96.115 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo |
Theo bà Hoa, bên cạnh một số sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như du lịch đường thủy nội đô, du lịch sinh thái, nông nghiệp... thì sản phẩm du lịch y tế là một trong những điển hình của sản phẩm du lịch mới đầy tiềm năng của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo số liệu thống kê, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch tăng dần qua các năm, với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng năm 2018, đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40%. Những con số trên thấy tiềm năng rất lớn cho việc phát triển loại hình du lịch y tế trong tương lai.
Theo dự báo của tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong 6 xu hướng du lịch trên thế giới phát triển trong tương lai có du lịch y tế bên cạnh du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo. Vì vậy, phát triển loại hình du lịch nói trên vừa phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu của nhiều phân khúc khách, qua đó góp phần tăng trưởng lượng khách đến Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tái tạo năng lượng tích cực là nhu cầu thực tế, và có xu hướng phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây |
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Giám đốc Công ty TNHH MTV DV lữ hành Saigontourist cho biết, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ được biết đến như là sự kết hợp du lịch và các hoạt động thư giãn, tiến trình trị liệu, nhằm nâng cao và hồi phục sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tâm hồn cho du khách.
Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tái tạo năng lượng tích cực là nhu cầu thực tế, và có xu hướng phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Đa dạng hình thức, loại hình du lịch này phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như chương trình tour hướng giải toả áp lực công việc, giảm gánh nặng tâm lý, điều trị bệnh mãn tính... Cao hơn, du lịch chữa bệnh (medical tourism) là hình thức đi du lịch kết hợp mục đích khám bệnh, chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật.
Các sản phẩm y dược được trình bày giới thiệu tại hội thảo |
Theo ông Yên, đối với thị trường Việt Nam, du lịch nghỉ dưỡng chăm sức khoẻ và du lịch y tế vẫn còn hạn chế về cả lựa chọn và chất lượng so với tiềm năng sẵn có. Do đó, đây là thời điểm rất phù hợp phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe – trị liệu. Tuy nhiên, xây dựng được sản phẩm du lịch dạng này phù hợp và khả thi với du khách trong và ngoài nước không phải dễ dàng, cần có nhiều thời gian và giải pháp quyết liệt.
Tại hội thảo lần này, nhiều công ty, bệnh viện đã giới thiệu những sản phẩm du lịch y tế dành cho du khách thông qua các tham luận được trình bày tại hội thảo. |
Để có thể xây dựng được các sản phẩm du lịch y tế nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng khả thi phục vụ du khách Việt Nam và quốc tế, đại diện Saigontourist cho rằng các đơn vị y tế các doanh nghiệp lữ hành và các sở ban ngành liên quan cần xác định sản phẩm du lịch đặc trưng về y tế của TP. Hồ Chí Minh dựa trên khả năng cung ứng của các bệnh viện, đơn vị y tế của Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh cũng như sự khác biệt đối với các địa phương khác và thế giới. Trên cơ sở đó, các đơn vị y tế của thành phố cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của mình.
"Bên cạnh sản phẩm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe đặc trưng, cần xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe chính như các dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp; các nhóm y tế giải phẫu và không giải phẫu... và sản phẩm du lịch có liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe với các sản phẩm bổ trợ như spa thư giãn; ẩm thực thực dưỡng với thảo dược... nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch y tế và kéo dài thời gian lưu trú của du khách" - ông Yên chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Trong thời gian tới, nhiều sản phẩm, mô hình kết hợp giữa du lịch và y tế sẽ ra đời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến TP. Hồ Chí Minh, góp phần phục vụ và phát triển ngành du lịch Thành phố. |