TP. Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp nữ tiếp cận chính sách phục hồi kinh tế
Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm phát triển Phụ nữ Hà Nội cho biết: Phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi gia đình và cộng đồng. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%.
Hơn 4 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tiếp và trực tuyến.
Từ đó các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đã vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022, các nữ doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo được nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp xây dựng ngân sách Thủ đô.
Tháng 6/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoạt động nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn, thực hiện một số chính sách về tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cho biết, phụ nữ là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất nông nghiệp đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong các khâu cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Những năm vừa qua các cấp Hội phụ nữ toàn thành phố đã tích cực, chủ động tham gia hoạt động kết nối cung cấp, tiêu thụ nông sản an toàn. Các cấp Hội phụ nữ Thành phố linh hoạt tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các vùng sản xuất Hà Nội; phát động thực hiện chương trình “Nâng niu giá trị nông sản Việt - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới còn nhiều mặt hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới. Một số mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ hoạt động còn mang tính tập quán truyền thống, thủ công, chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, quy chuẩn; còn thiếu kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm; Một số cơ sở Hội chưa thực sự tích cực hỗ trợ các phụ nữ tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản nông sản an toàn trên địa bàn.