TP. Cà Mau: Đưa tiến bộ khoa học vào đời sống
Nuôi tôm siêu thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân TP.Cà Mau |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, TP. Cà Mau đã xây dựng nhiều chính sách riêng để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, như: Chính sách ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất nông nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn; liên kết hợp tác đa dạng giữa hộ nông dân với DN và các đối tác kinh tế khác.
Nhờ các chính sách này, nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới đã được hình thành, tạo nên những bước chuyển dịch tích cực cho kinh tế của TP.Cà Mau. Đặc biệt, sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, có những mô hình đã được định hình và ngày càng cho thấy hiệu quả rõ rệt, như: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nuôi cá chình, cá bống tượng; mô hình lúa VietGAP; dưa hấu VietGAP...
Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tập trung ở những xã nằm ở phía Nam TP. Cà Mau như: Phường 6, xã Tắc Vân, Định Bình, Hòa Tân và xã Hòa Thành, với diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt 209,265ha, 147 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt khoảng 21 tấn/ha/vụ. Hiện, đã có 2 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm siêu thâm canh được hình thành, đó là HTX An Thành và Thành Công.
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn (tại phường 6, xã Hòa Thành, xã Hòa Tân và xã Định Bình) đã giúp giảm lượng tôm giống thả nuôi hàng năm, tôm phát triển nhanh…, tạo ra sản phẩm tôm sú đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Hay, mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể "cá chình, cá bống tượng Tân Thành - Cà Mau" năm 2016 đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân...
Cùng với các mô hình nuôi cá, tôm.., mô hình lúa VietGAP, dưa hấu VietGAP không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, mà còn bảo vệ môi trường nông nghiệp của TP. Cà Mau, tạo ra sản phẩm an toàn; giúp ổn định giá, góp phần tăng thu nhập và tăng hiệu quả cho người dân tại xã An Xuyên, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau.
Nhờ công tác tổ chức sản xuất được quan tâm, đến nay, TP.Cà Mau đã có 9 HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 (so với năm 2010, tăng 5 HTX), 7 xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp của TP. Cà Mau đã chuyển dịch nhanh theo hướng tăng nuôi trồng thủy sản và sản xuất các loại hình cây, con có giá trị kinh tế cao, giảm dần tỷ trọng sản xuất lúa, gắn với đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,6 triệu đồng/người/năm, tăng 38,900 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,01; kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng có bước tiến rõ rệt...
Đến nay, TP.Cà Mau đã có 7/7 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. 125/125 ấp, khóm, 17/17 xã, phường đạt chuẩn văn hóa; 423/435 cơ quan đạt chuẩn văn hóa; 34 tuyến phố văn minh; 38 khu dân cư tự quản, có 4 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. |