CôngThương - Trong buổi tiếp đón Tổng Thư ký Taleb Rifai, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL)- Hoàng Tuấn Anh- cho biết, trên cơ sở kết quả xây dựng chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 do UNWTO giúp đỡ, Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triểndu lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2015, du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, 37 triệu lượt khách nội địa, thu nhập từ du lịch đạt từ 7-8 tỷ USD, đóng góp vào GDP khoảng 6%; đến năm 2020, lượng khách tăng từ 7-8%/năm, thu nhập từ du lịch đạt khoảng từ 10-11 tỷ USD, đóng góp GDP từ 6,5-7%.
Bên cạnh đó, một số vấn đề lớn của phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới cũng được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề cập, như: Vấn đề đầu tư cho du lịch; chương trình hành động quốc gia về phát triển du lịch; nâng cao năng lực quản lý du lịch; phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu; phát huy đa dạng văn hóa để phát triển du lịch bền vững…
TS. Taleb Rifai “Tôi vừa được cung cấp thông tin về con số khách quốc tế đến Việt Nam là gần 2 triệu trong quý I, tăng 24,5% so cùng kỳ năm 2011, đó là con số tăng trưởng đáng mơ ước của bất kỳ quốc gia nào”. |
Tổng Thư ký Taleb Rifai chia sẻ, đây là lần thứ ba ông đến Việt Nam. Mỗi lần đến, đi và quay trở lại, ông luôn nhìn thấy rất rõ những thay đổi tích cực của du lịch Việt Nam, những tiến bộ và nhiều điều mới lạ. So với các quốc gia trong khu vực, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chưa phải cao, nhưng mức độ tăng trưởng thì vô cùng ấn tượng.
Tăng nhiều nhất là thị trường khách Nga với 45,4%, Hàn Quốc tăng 43,3%, Trung Quốc 36%, Đài Loan 33%, Malaysia 32%, Nhật 16,9%, Pháp 14,9%... Du lịch nội địa của Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt gần 10 triệu lượt khách, cũng nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về số lượng khách, tăng 6,67%. Tổng thu từ khách du lịch trong 3 tháng đầu năm ước đạt 41.100 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ năm 2011.
Tổng thư ký cũng đánh giá cao tính đúng đắn của định hướng phát triển du lịch Việt Nam khi tập trung vào thị trường các nước láng giềng và các nước mới nổi, đặc biệt là thị trường Nga. Ông cho rằng, với hướng đi này, khả năng tăng trưởng liên tục của du lịch Việt Nam thời gian tới là rất lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, Tổng thư ký Taleb Rifai nhấn mạnh cần tập trung vào hai vấn đề lớn, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp visa cho du khách và mở rộng đường hàng không. Ông bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ đào tạo cán bộ du lịch của Việt Nam tại Madrid (Tây Ban Nha) hoặc ở các trường đào tạo du lịch trên thế giới. Ông cũng mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa UNWTO với du lịch Việt Nam, thảo luận và triển khai một số dự án nhằm hỗ trợ du lịch Việt Nam trong thời gian tới. UNWTO đã hình thành một kế hoạch đầy tham vọng giúp Việt Nam phát triển các loại hình du lịch khu vực, nông thôn, làng bản, để từ lợi ích du lịch nâng cao mức sống cho người dân ở những khu vực này. Ông đề nghị Việt Nam tham gia chương trình tiếng nói của các nhà lãnh đạo toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới đối với sự phát triển của du lịch.
“Việt Nam có những tiềm năng lợi thế để phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch. Với nhiều di sản được thế giới công nhận và gần đây di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Việt Nam cần tận dụng lợi thế của di sản này để quảng bá ra thế giới” - TS.Taleb Rifai khuyến nghị.