Tổng công ty Cao su Đồng Nai: Linh hoạt các giải pháp, đột phá trong sản xuất kinh doanh
Thực hiện tốt nhiều mục tiêu
Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, ông Đỗ Minh Tuấn- Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho biết, năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn tác động, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo mục tiêu kép “vừa sản xuất, vừa chống dịch”, Tổng công ty đã đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí giá thành, đầu tư.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Cờ thi đua của Ủy ban cho Tổng công ty Cao su Đồng Nai |
Cụ thể, kết quả năm 2021, toàn Tổng công ty đạt sản lượng khai thác là 26.663 tấn, bằng 104,5% kế hoạch; sản lượng thu mua 8.222 tấn, đạt 102,8% kế hoạch; sản lượng chế biến 40.101 tấn, đạt 106% kế hoạch. Tổng doanh thu và thu nhập khác 1.959,56 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch. Trong đó, sản xuất, kinh doanh cao su 1.576,42 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 312,98 tỷ đồng, đạt 172% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 321 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Theo đó, trong năm 2022, Tổng công ty tiếp tục tinh gọn bộ máy tổ chức, hoạt động đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng bền vững; thực hiện nhanh chương trình đầu tư đổi mới và thâm canh vườn cây, phấn đấu đưa năng suất vườn cây trong toàn Tổng công ty đạt 2 tấn/ha. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, khách hàng mới; tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án mới trong chiến lược tái cơ cấu hoạt động giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng công ty cũng đề xuất, kiến nghị tỉnh Đồng Nai xem xét miễn tiền thuê đất nông nghiệp đối với cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, duy trì diện tích rừng và duy trì diện tích cao su cốt lõi trên địa bàn; quy hoạch khu vực dân cư trên địa bàn cách xa khu vực sản xuất chế biến cao su. Đồng thời tạo điều kiện đào tạo lại, bố trí việc làm cho công nhân cao su trên các vùng công nhân cao su mất việc làm do thu hồi đất cao su để thực hiện các dự án theo quy hoạch của tỉnh. Bên cạnh đó hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng Quỹ Khoa học công nghệ để nghiên cứu sản phẩm mới, các sáng kiến hợp lý hoá tổ chức sản xuất, để góp phần tạo đột phá, đẩy nhanh việc tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ động tích cực thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh- Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, trong bức tranh khó khăn chung, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch Covid - 19, vừa tổ chức sản xuất an toàn, hiệu quả. Đồng thời lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao những kết quả thực hiện công tác cổ phần hóa và đề án tái cơ cấu của Tổng công ty giai đoạn 2020 - 2025. Năm 2021, Tổng công ty đã xây dựng và thực hiện Chứng chỉ Rừng Việt Nam cho 4 nông trường với tổng diện tích 11.010 ha và Chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC) cho toàn bộ 3 nhà máy với tổng công suất đạt 55.000 tấn sản phẩm/năm và đã được Tổ chức quốc tế GFA/SGS đánh giá chứng nhận phù hợp các yêu cầu hệ thống quản lý rừng bền vững. Tổng công ty đã đạt Top 10 trong Chương trình đánh giá Top 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam và đạt Top 20 “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị trong năm 2022, Tổng công ty chủ động, tích cực phối hợp với tỉnh Đồng Nai trong việc: Hoàn thành công tác bàn giao đất về địa phương để thực hiện đầu tư Dự án sân bay quốc tế Long Thành - là dự án đầu tư trọng điểm cấp quốc gia; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm phát huy được hết các tiềm năng, thế mạnh của Tập đoàn và Tổng công ty Cao su Đồng Nai về phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Triển khai đầu tư các dự án mới trong chiến lược tái cơ cấu hoạt động phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. “Tiếp tục thực hiện thủ tục thoái vốn các công ty không thuộc ngành nghề chính theo quy định của Chính phủ. Đồng thời quyết liệt trong việc thực hiện chương trình phát triển bền vững, phấn đấu toàn bộ diện tích của Tổng công ty đều đạt Chứng chỉ rừng bền vững trong thời gian sớm nhất”- ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của Đồng Nai quan tâm về cơ chế, chính sách đền bù khi thu hồi đất trồng cao su của Tổng công ty để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo theo sát giá thị trường, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và bảo toàn vốn trong quá trình phát triển.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai ghi nhận, đánh giá cao Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã có những đóng góp lớn, toàn diện về mọi mặt cho địa phương. “Với một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp thì việc chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động và đặc biệt là phù hợp với một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2025”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ ra.
Về các kiến nghị đối với tỉnh Đồng Nai, Bí thư tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các Sở, ban ngành chức năng xem xét, kiểm tra và rà soát để có những hỗ trợ kịp thời, hợp lý với quy hoạch phát triển của tỉnh Đồng Nai trên tinh thần luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng địa bàn phát triển.