Toà nhà thông minh: Xu hướng tất yếu để đạt được các mục tiêu môi trường
Đây là lời khẳng định về tầm quan trọng trong việc xây dựng toà nhà thông minh của ông Andrew Harrop - Giám đốc toàn cầu, Ứng dụng kỹ thuật tại Tập đoàn Armstrong Fluid Technology, dẫn đầu trong ngành tích hợp hệ thống lưu lượng chất lỏng thông minh cho các tòa nhà trong buổi trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương.
Trong vài năm trở lại đây, người ta nhắc nhiều đến việc xây dựng các thành phố thông minh. Trong đó, toà nhà thông minh đóng vai trò chủ chốt. Theo ông, yếu tố nào tạo nên một toà nhà thông minh và toà nhà thông minh mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp sử dụng?
Khác biệt cơ bản nhất giữa một toà nhà thông minh và một toà nhà tiêu chuẩn là ở yếu tố kết nối. Trong một toà nhà thông minh thì tất cả các dịch vụ, tiện ích của các toà nhà đó được kết nối với nhau, được điều khiển bởi trung tâm vận hành tập trung thông qua mạng lưới công nghệ thông tin. Các dịch vụ như dịch vụ điều hoà không khí, sưởi ấm, thang máy,... được vận hành độc lập nhưng được kết nối với nhau thông qua hệ thống vận hành tập trung và sử dụng các dữ liệu từ bên ngoài.
Ví dụ, hệ thống sẽ lấy dữ liệu về công suất khai thác, đong đếm số lượng người, cơ quan đang ở trong toà nhà. Họ sử dụng những dữ liệu như vậy và sau đó áp dụng thêm các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, máy học khiến cho những toà nhà đó có thể lập trình và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng và kết quả cuối cùng là tăng mức độ thoải mái và tiện ích của những người ở trong ngôi nhà đó.
Một ví dụ trực quan là lập trình để hệ thống tắt đèn, tắt các thiết bị điện khi không có người ở đó. Như vậy, sử dụng trí thông minh nhân tạo để thực hiện công năng nhằm gia tăng mức độ thoải mái cho con người.
Trên thực tế, với cá nhân doanh nghiệp Armstrong, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống thông minh và hệ sinh thái thông minh trong các toà nhà trên toàn thế giới và các giá trị mà chúng tôi mang lại cho doanh nghiệp có thể tóm tắt trên 3 cấp độ. Thứ nhất, chúng tôi cung cấp các thiết bị thông minh cho toà nhà. Ví dụ như là lắp các tính năng tự động trong toà nhà nhằm cung cấp các dịch vụ như nước nóng và nước lạnh và đi kèm với các giải pháp được điều khiển bởi một hệ thống vận hành tập trung. Đó có thể coi là một máy chủ, hay hệ thống điện toán để vận hành toà nhà.
Một trong những công trình toà nhà thông minh nổi bật do Tập đoàn Armstrong Fluid Technology xây dựng |
Thứ hai, chúng tôi cũng có các nhà cung cấp về dữ liệu từ bên ngoài để tích hợp dữ liệu trong quá trình vận hành toà nhà. Nhờ những nhà cung cấp, mạng lưới, kinh nghiệm đó, chúng tôi có thể áp dụng đồng thời hệ thống điều khiển thông minh đối với các toà nhà thông minh ở bất kỳ địa điểm nào.
Ở cấp độ thứ ba, chúng tôi hỗ trợ để bảo trì các toà nhà này tốt hơn trong vòng đời sử dụng. Ví dụ như, thông qua việc dự báo các vấn đề hay sự cố có thể xảy ra và từ đó sẽ vận hành và kiểm soát nhóm bảo trì và chi phí bảo trì một cách hiệu quả hơn.
Tất cả những điều này không chỉ đóng góp vào việc giảm chi phí vận hành toà nhà mà còn mang lại sự thuận tiện tối đa cho những người quản lý và bảo trì.
Ông có thể làm rõ hơn về khả năng giảm chi phí vận hành của một toà nhà thông minh?
Đối với các toà nhà, đặc biệt là các toà nhà văn phòng, tối ưu hoá chi phí vận hành có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Trên toàn cầu, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và ngay tại Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện những xu hướng mới. Thứ nhất, doanh nghiệp không cần phải thuê văn phòng cho tất cả mọi người bởi không phải mọi người đều đến văn phòng và làm việc cùng một lúc. Mô hình làm việc kết hợp cũng là một cách để tối ưu hoá chi phí đối với doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Thứ hai, về cách vận hành thông minh trong toà nhà, thông qua quá trình lập kế hoạch, việc vận hành toà nhà được thực hiện nhịp nhàng tuần tự hơn.
Ví dụ như khi chúng ta có thể lập kế hoạch cho công ty nào sử dụng phòng họp, hay công ty nào sử dụng khu đỗ xe, bàn, thậm chí là các bàn làm việc cũng được tối ưu hoá bằng cách đặt lịch. Như vậy, toà nhà thông minh giúp giảm bớt chi phí rất nhiều và gia tăng số lượng người thuê trong toà nhà. Từ đó, tính thông minh của một toà nhà đã góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những tính năng nhỏ như kiểm soát nhiệt độ, kiểm soát không khí trong toà nhà, tối ưu hóa hệ thống HVAC, cũng như góp phần giảm chi phí vận hành.
Ông Andrew Harrop - Giám đốc Toàn cầu, Ứng dụng Kỹ thuật tại Tập đoàn Armstrong Fluid Technology |
Hiện nay, toà nhà thông minh có thể phát huy tối ưu tiện ích của mình đối với các loại hình doanh nghiệp có thể kết hợp được hình thức làm việc từ xa. Ví dụ như trong lĩnh vực như tư vấn thiết kế, tư vấn chiến lược, tư vấn xây dựng, tài chính, bảo hiểm,... Trong khi đó, một số ngành đặc thù thì việc kết hợp từ xa không dễ dàng, ví dụ như doanh nghiệp sản xuất vì họ cần một địa điểm sản xuất thực sự, hoặc là hệ thống bán lẻ, những mạng lưới hay hệ thống chuỗi cửa hàng mà không thể thay thế bằng hình thức online. Những toà nhà thông minh do đó, chưa phát huy tối đa lợi ích của mình đối với loại hình doanh nghiệp này.
Mặc dù khả năng tiết kiệm chi phí vận hành rất tốt, có lẽ việc xây dựng toà nhà thông minh cũng tạo ra nhiều chi phí phụ trội so với các toà nhà truyền thống?
Trên thực tế, các công nghệ về kết nối hay Internet vạn vật kết nối (IoT) đều đã có sẵn và được lồng ghép trong các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất. Một ví dụ tiêu biểu nhất như là các thiết bị sưởi ấm hay là thông gió điều hoà của các công ty công nghệ hàng đầu đều đã tích hợp các tính năng thông minh. Tôi cho rằng, chi phí phụ trội sẽ chỉ ở mức tối thiểu, áng chừng trong khoảng 5 -10%.
Tuy nhiên, nhìn theo cách khác, các công nghệ thông minh này giúp giảm thiểu các chi phí vận hành, chi phí bảo trì nói chung. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng, nếu như không thực hiện toà nhà thông minh thì sẽ phát sinh ra chi phí gì? Tôi lấy ví dụ, thông qua công nghệ IoT mà giờ đây, các chủ toà nhà có thể điều khiển các hệ thống, các thiết bị bằng wifi. Từ đó, họ có thể tiết kiệm chi phí lắp đặt hệ thống cáp, các trạm hay các thiết bị điện tử khác ở trong toà nhà. Do đó, các yếu tố thông minh đã tiện lợi và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang xuất hiện các dự án toà nhà thông minh. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này? Trong quá trình chuyển đổi sang toà nhà thông minh, hẳn các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Armstrong có thể giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Tôi được biết, đã có khoảng 100 dự án toà nhà thông minh đang được triển khai tại các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương - các thành phố đang nhắm đến trở thành thành phố thông minh. Các dự án này có thể ở dưới dạng tích hợp lồng ghép công nghệ vào trong các toà nhà hiện hữu và không nhất thiết phải xây dựng toà nhà thông minh mới hoàn toàn.
Trên thực tế, có một vấn đề tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên toàn cầu, đó là mật độ xây dựng các toà nhà hiện tại đã khá dày đặc. Đó cũng chính là khởi nguồn cho các triết lý của Armstrong: phát triển các công nghệ và thiết bị để cải thiện các toà nhà hiện hữu, khắc phục các yếu tố lỗi thời về mặt năng lượng, vận hành, sử dụng nhiên liệu. Chúng tôi sẽ đi vào các toà nhà và đánh giá các yếu tố có thể tối ưu và cải thiện và sau đó sẽ sử dụng các công nghệ lắp đặt để tạo thành hệ sinh thái kết nối cho toà nhà đó.
Trong quá trình chuyển đổi toà nhà này thì phương châm của chúng tôi là hạn chế các thiết bị phải thay mới ở mức tối thiểu. Tức là những gì tận dụng được ở toà nhà hiện hữu sẽ tiếp tục được sử dụng. Khi chúng tôi lắp đặt cho một nhà máy thì bao giờ cũng tâm niệm khía cạnh tiết kiệm chi phí vận hành, nhiên liệu bằng cách nào. Mục tiêu cuối cùng là tối ưu năng lượng sử dụng và tối ưu các công tác bảo trì, bảo dưỡng, nhờ đó, gia tăng vòng đời cho công trình.
Mặt khác, việc chuyển đổi từ các toà nhà tiêu chuẩn sang toà nhà thông minh là yếu tố tất yếu. Các quốc gia hiện nay đều có các mục tiêu và cam kết về môi trường. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Để đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ phải thay đổi các cách làm đang hiện hữu. Chúng tôi cùng với công nghệ toà nhà thông minh là nhằm mục đích khiến quá trình này càng ít tốn kém càng tốt.
Xin cảm ơn ông!