Tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô theo Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN: Không còn phù hợp
Thay thế quy định không còn phù hợp
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo những vướng mắc của doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Lý do là dù đã hết căn cứ pháp lý, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vẫn chưa bãi bỏ một số văn bản liên quan, gây khó cho DN.
Cụ thể, VAMI đề cập đến phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất lắp ráp ôtô trong nước đang được Bộ KH&CN quy định tại Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN (Quyết định 28), Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28 (Quyết định 05) và Thông tư số 05/2012/TT-BHCN (Thông tư 05).
Cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo Quyết định 28 không phù hợp và cần được bãi bỏ |
VAMI nhận thấy, các căn cứ ban hành phương pháp trên của Bộ KH&CN không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gây chồng chéo, không phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh ô tô.
Nhìn nhận vấn đề, ông Đào Phan Long- Chủ tịch VAMI - chỉ rõ, lấy ví dụ về cách tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô tại Việt Nam với hai bộ ghế ngồi được lắp ráp bởi 2 DN sản xuất ôtô trong nước; một bộ đạt chất lượng tiêu chuẩn, đủ để xuất xưởng; một bộ có trang bị cảm biến hiện đại, tự động nhớ vị trí ngồi của người sử dụng, có hệ thống sưởi/làm mát, bọc da cao cấp. Có thể thấy, bộ ghế thứ 2 có giá thành cao hơn so với bộ ghế thứ nhất. "Tuy nhiên, do đều là ghế ôtô nên điểm nội địa hóa lại như nhau trong khi tính năng công nghệ, giá thành rất khác nhau, điều này là chưa phù hợp. Đồng thời, với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, các tính năng và linh kiện trang bị trên ôtô ngày càng mới, hiện đại và chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị của chiếc xe. Quy định cách tính thuế cũng như biểu thuế của Việt Nam chưa thay đổi kịp, theo đó DN kiến nghị Quyết định 28 không còn phù hợp nữa" - ông Đào Phan Long đánh giá.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN Việt Nam ngoài việc sản xuất, lắp ráp ôtô phục vụ nhu cầu thị trường trong nước cũng đã tham gia xuất khẩu ôtô sang các nước trong khu vực và thế giới theo sự phân công của các hãng ôtô toàn cầu. Theo đó, hãng ôtô sẽ chỉ định các nhà máy tại mỗi nước thực hiện nội địa hóa linh kiện khác nhau dựa trên thế mạnh của các nước nhằm đảm bảo tỷ lệ hàm lượng giá trị khu vực (RVC) đạt tối thiểu theo mức yêu cầu để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% khi xuất khẩu trong nội khối, tùy theo Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Do đó, việc quy định phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô tại Quyết định số 28 đã không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất ôtô, định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu cần được giữ lại
Với những lý do trên, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ KH&CN thống nhất với đề xuất của Bộ KH&CN về việc bãi bỏ quy định hiện hành về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ KH&CN căn cứ Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô; Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/2016/NĐ-CP; ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan để đánh giá toàn diện tác động của việc sửa đổi/bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu để rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp), cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo Quyết định 28 hiện nay chưa phù hợp và cần được bãi bỏ. Tuy nhiên, trong Quyết định 28 còn tồn tại một quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu cần được giữ lại, bởi nó đem lại nhiều lợi ích cho các DN sản xuất ôtô trong nước. "Việc duy trì mức độ rời rạc sẽ giúp các DN sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam đầu tư thêm chiều sâu vào quá trình sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, quy định này cũng là cơ sở giúp các DN tham gia chương trình ưu đãi thuế với linh kiện ôtô nhập khẩu" - ông Lương Đức Toàn phân tích cụ thể.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên; phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa theo ASEAN hiện nay cũng được Bộ Công Thương quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018. Theo đó, ôtô nhập khẩu về Việt Nam hay từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước ASEAN nếu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đều phải áp dụng quy định này. |