Tỉnh Quảng Ninh tổ chức tập huấn Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới
Ngày 28/7, Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử & kinh tế số (Bộ Công Thương) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (đại diện của Tập đoàn Alibaba) tổ chức Chương trình tập huấn “Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Ninh 2023”.
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 (do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố): Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 17 cả nước (đạt 21,9 điểm). Doanh số thương mại điện tử B2C ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; và giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Các doanh nghiệp trong tỉnh đã phần nào đó bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tăng 12,69% so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử .
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc đưa thương mại điện tử vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý thương mại điện tử còn hạn chế và quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế có thể khó khăn và phức tạp. Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị |
Theo bà Nguyễn Hoài Thương – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh: Hội nghị mang đến cho chúng ta một cơ hội quý báu để giải quyết những khó khăn, thách thức trên. Chúng ta có cơ hội lắng nghe và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và xuất khẩu. Những người đã có thành công trong việc áp dụng và phát triển xuất khẩu trực tuyến chia sẻ những kinh nghiệm và chiến lược thành công của họ. Chúng ta sẽ được tiếp cận những thông tin quan trọng về cách tận dụng công nghệ, xây dựng chiến lược tiếp thị, và vượt qua các rào cản pháp lý và hạn chế khác.
Chương trình cũng cung cấp cơ hội để kết nối và hợp tác với nhau. Qua việc gặp gỡ, trao đổi ý kiến và kết nối, chúng ta có thể tạo ra mạng lưới hợp tác mạnh mẽ, tìm kiếm đối tác tiềm năng và khám phá cách thức hợp tác để cùng nhau phát triển và vươn xa trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ tại hội nghị |
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá: Thương mại điện tử đã và đang có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tốt. Tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Thông qua buổi tập huấn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể tiếp cận dễ dàng thương mại điện tử. Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng đến.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và công nghệ OSB (đại diện của Tập đoàn Alibaba) chia sẻ tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại biểu đã được các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử chia sẻ về các xu hướng thương mại điện tử và xuất nhập khẩu toàn cầu; cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu xuyên biên giới; chia sẻ về giải pháp logistics; kinh nghiệm từ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến thành công và các bài học kinh nghiệm.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia buổi tập huấn |
Thông qua buổi tập huấn, sẽ giúp hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp xúc tiến, kết nối, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm kênh nâng cao doanh số bán hàng, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.