Tìm giải pháp "hạ nhiệt" thị trường phân bón: Bài 1. Giá phân bón trong nước vẫn neo ở mức cao |
Giá phân bón cao nhất trong 50 năm qua
Với vùng nguyên liệu trồng chè hơn 150ha, công suất 50-70 tấn chè tươi/ngày, bà Phạm Thị Nụ - Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh (Lai Châu) - cho biết, với mô hình liên kết sản xuất, công ty đứng ra cung ứng phân bón trả chậm cho các hộ liên kết, tức là khi nào thu hoạch chè thì bà con nông dân mới phải trả tiền phân bón... Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp này nhập hơn 300 tấn phân bón vô cơ gồm đạm, kali, NPK để cung ứng cho người trồng chè. Nếu như cùng thời điểm năm 2021, doanh nghiệp chỉ cần chi hơn 2 tỷ đồng mua phân bón, thì năm nay do giá phân bón tăng gấp đôi, có loại tăng gấp 3, doanh nghiệp phải chi gần 6 tỷ đồng.
Vùng sản xuất chè thâm canh tại Lai Châu |
Cũng theo bà Phạm Thị Nụ, giá phân bón tăng mạnh đang ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi liên kết. Nhiều hộ dân do giá phân bón cao nên đã không mua để bón cho cây chè, ảnh hưởng tới chất lượng, sản lượng chè trên địa bàn. Do đó, những doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân trồng chè đang ngóng chờ các giải pháp từ chính phủ và các Bộ, ngành trong việc bình ổn thị trường phân bón.
Tương tự, với diện tích 6ha trồng cà phê, ông Nguyễn Hân - cơ sở sản xuất cà phê Nguyễn Hân (tại làng Le 2, xã Y a Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) - chia sẻ, hiện giá phân bón chất lượng dao động trong khoảng 950.000 - 1.200.000 đồng/bao loại 50kg khiến những người nông dân trồng cà phê gặp nhiều khó khăn. Giá phân bón tăng cao khiến bà con tiết kiệm lại, giảm lượng phân bón khiến cây cà phê bị đầu tư kém đi so với những năm trước. Vì vậy, dù giá cà phê có tăng một chút, nhưng thu nhập so với các năm thì không tăng. Mong mỏi của những hộ trồng cà phê bên cạnh việc đầu ra ổn định thì giá cả vật tư đầu vào, trong đó có giá phân bón hạ nhiệt để bà con có lợi nhuận.
Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá phân bón tăng cao, như phân urê tăng 136% đến 143%, DAP tăng 143% đến 164%, kali tăng 180% đến 200% so với tháng 12/2021. |
Không chỉ “nóng” ở các bờ ruộng, mảnh vườn, giá cả vật tư nông nghiệp "leo thang" trong thời gian qua, trong đó có giá phân bón cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Nghị trường Quốc hội chiều ngày 7/6.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) chất vấn: Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến cho người nông dân lấy công làm lãi thua lỗ. Bài toán cấp thiết với ngành nông nghiệp lúc này là kiểm soát giá. Bộ trưởng có giải pháp thế nào để hỗ trợ người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế?
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho biết, giá của nhiều loại phân bón tăng 200% trong khi giá bán nông sản thấp, có thời điểm không tiêu thụ được. Điển hình như mặt hàng thanh long, nông dân sản xuất không có lãi, người dân phá bỏ diện tích trồng thanh long, chuyển sang các loại cây khác, hoặc người dân bỏ hoang đất vì sản xuất thua lỗ. Bộ trưởng có giải pháp nào để kiểm soát giá vật tư đầu vào, phân bón.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng, người nông dân khổ sở gánh chịu phân bón giả, giống như câu nói người nông dân nghèo lại đeo lấy khổ. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý nghiêm nạn phân bón giả? Đồng thời, hiện thương hiệu nông sản Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng một số vật tư đầu vào vẫn phụ thuộc nhiều vào thế giới, nông dân phải chịu giá cao |
Trước nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng một số vật tư đầu vào vẫn phụ thuộc nhiều vào thế giới, nông dân phải chịu giá cao. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang xây dựng chiến lược để nâng cao tính tự chủ, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc về giá.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã họp bàn với các hiệp hội phân bón, hóa chất để cố gắng thuyết phục các doanh nghiệp chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân. Bên cạnh đó, trước phản ánh của bà con nông dân về tình trạng găm hàng, tích trữ để đẩy giá lên cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để tăng cường kiểm tra, phát hiện hành vi sai phạm.
“Cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nông dân sử dụng phế phẩm trong nông nghiệp để thay thế phân bón vô cơ. Đây sẽ là giải pháp lâu dài. Đặc biệt, 14 triệu hộ nông dân Việt Nam nên tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, bởi khi vào hợp tác xã, các hộ nông dân sẽ mua được vật tư đầu vào với giá rẻ hơn, đảm bảo được giá cả đầu ra. Đây cũng là con đường để tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Áp dụng thuế xuất khẩu để bình ổn và hạ nhiệt giá phân bón
Theo các chuyên gia, mặt hàng phân bón, bắt đầu từ cuối năm 2020, cả thế giới đã điên đảo vì dịch bệnh Covid-19 và càng đảo lộn hơn kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, dẫn đến giá tất cả các mặt hàng phân bón tăng chóng mặt, ở mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây.
Trong bối cảnh nhiều diện tích lúa và cây ăn trái đang giảm mạnh do nông dân càng làm càng lỗ, ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch Tập đoàn Vinacam (doanh nghiệp nhập khẩu phân bón) - cho rằng, chính sách thuế là một trong những công cụ quản lý và điều tiết nền kinh tế, do vậy nhằm hạ giá phân bón trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, các bộ, ngành nên xem xét áp thuế xuất khẩu với một số loại phân bón - nhóm sản phẩm đang chiếm 30 - 40% giá thành sản xuất lúa hiện nay.
Giá phân bón tăng cao đang bào mòn lợi nhuận của nông dân |
Ông Vũ Duy Hải phân tích, trong sản xuất nông nghiệp, nhu cầu phân bón thường theo thời vụ ngắn hạn, khi gần vào vụ nhu cầu phân bón cao, hết vụ, nhu cầu phân bón giảm. Trái lại các nhà máy sản xuất là dây chuyền công nghiệp luôn cho ra số lượng ổn định 12 tháng/năm, nên khi thị trường có nhu cầu (vào vụ) thì bán được còn lúc thấp điểm (hết vụ) nhu cầu trong nước giảm thì nhất thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Do vậy việc áp thuế phải thoả mãn hai mục tiêu: Bình ổn cho người nông dân, tức là khi trong nước có nhu cầu thì thuế là công cụ chặn bớt xuất khẩu để tăng nguồn cung và ngược lại không gây khó khăn, đình trệ cho nhà máy sản xuất khi nhu cầu trong nước giảm. Để hài hoà nên chăng, cần áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo biểu thuế tự động.
Bên cạnh đó cũng không nên đánh thuế xuất khẩu với tất cả các loại phân bón. Ví dụ với phân NPK việc áp thuế xuất khẩu với NPK thậm chí sẽ có tác dụng ngược vì phần lớn sản xuất NPK trong nước hiện nay là làm công tác phối trộn (giống như một hoạt động gia công từ các nguồn nguyên liệu phân đơn khác). Mặt khác sản lượng NPK nội địa hiện nay theo thiết kế đã vượt xa nhu cầu trong trước do vậy cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tăng cường xuất khẩu.
Đối với thuế phòng vệ DAP, MAP, ông Vũ Duy Hải cho rằng, hiện tại cơ bản các nhà máy sản xuất DAP, MAP đã có lãi, cân đối được tài chính, nếu tiếp tục duy trì thuế phòng vệ đối với DAP, MAP để bảo hộ sản xuất trong nước sẽ làm tăng gánh nặng cho người nông dân.
"Cần cân nhắc khi khởi động lại việc áp thuế VAT đối với phân bón vì thực tế VAT là sắc thuế đánh vào người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh thuế VAT hàng tiêu dùng từ 10% xuống 8% như vừa qua", ông Vũ Duy Hải cho biết thêm.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón, đại đa số là các cơ sở sản xuất phân bón NPK với tổng công suất thiết kế trên 29 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm. Hiện nay, các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ (hay còn gọi là phân bón hóa học) đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: phân đạm, phân DAP, phân lân (supe lân, lân nung chảy), NPK... Năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 7,1 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. |