Tiêu cực trong lĩnh vực đất đai còn rất lớn
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại”, bên cạnh việc đánh giá, khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được, thì tại Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ tồn tại: Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai còn diễn ra phổ biến, phức tạp; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm…
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo |
Văn kiện Đại hội đảng lần thứ XIII, Đảng ta cũng đã xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này, cụ thể như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan tới đất đai…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW – cho biết: Để có thêm cơ sở góp phần tham mưu cho Đảng, nhà nước về vấn đề quan trọng này, Ban Kinh tế Trung ương (Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW) và Tòa án Nhân dân tối cao thống nhất tổ chức hội thảo này. Vì vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Những hạn chế, vướng mắc của Luật Đất đai năm 2013 và văn bản quy định chi tiết; các tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự; thực trạng công tác kiểm toán, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, thực tiễn ở một số địa phương; thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án về đất đai thời gian qua...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cũng đã được đại biểu tham dự trình bày, trao đổi để làm rõ, từ đó đề xuất nội dung nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này. Các tham luận, ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào những hạn chế, bất cập của chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là Luật Đất đai năm 2013 từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực tư pháp (công tác kiểm toán, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai; giải quyết các vụ án hành chính, vụ án hình sự về đất đai thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương quản lý; thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án về đất đai);...
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số vụ án Toà án nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%). Những vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng, nhà nước.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được đại biểu trình bày |
Báo cáo tham luận cũng cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Một trong những nguyên nhân chính là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai; sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Điều này dẫn đến lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để tham nhũng, trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước...
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao - nhấn mạnh, Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng trọng việc đánh giá toàn diện tình hình vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm từ hoạt động tư pháp, trên cơ sở đó kiến nghị với Trung ương những nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp trong lĩnh vực đất đai, phục vụ Tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, định hướng cho việc sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước những bất cập, hạn chế còn tồn tại, đồng chí Nguyễn Hòa Bình lưu ý: Việc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật đất đai, tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan phải đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh. Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu. Đặc biệt phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường; tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản...