Tiết kiệm trên 6.700 tỷ đồng/năm nhờ dịch vụ công trực tuyến
“Nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính đã được giải quyết không qua tiếp xúc giữa người thực hiện và cơ quan hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cổng Dịch vụ công quốc gia là “một cửa duy nhất” trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Sau gần một năm thực hiện (được khai trương từ ngày 9/12/2019), Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Sau hơn 9 tháng kể từ ngày khai trương, ngày 19/8/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt mốc 1.000 dịch vụ công; tiếp đó, đến tháng 10 đạt thêm 1.000 dịch vụ công, như vậy, trong gần 2 tháng, số dịch vụ công đã tăng trên 400% so với 9 tháng trước đó; chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là trên 6.700 tỷ đồng/năm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh công tác giám sát của người dân với các văn bản luật |
Sau gần 8 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 10 ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến qua tài khoản và thẻ ngân hàng với 40/46 ngân hàng.
Trao đổi với đại biểu về việc các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, việc cắt, giảm các thủ tục hành chính là một bước đi đúng, thực chất.
Hiện đã cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, giảm đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục hành chính và cắt giảm 30/120 bộ thủ tục hành chính. Mặt khác đang cắt giảm 1.501 quy định chồng chéo giữa các bộ ngành.
Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ thừa nhận trao đổi của đại biểu về việc, hiện điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Có những trường hợp cắt điều kiện kinh doanh này nhưng mọc thủ tục khác, rồi ‘‘cắt thủ tục kinh doanh này nhưng hình thành quy chuẩn, tiêu chuẩn’’ từ đó gây rào cản, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Do đó, Thủ tướng đang tiếp tục chỉ đạo rà soát lại, kiểm soát ngay khâu dự thảo, nâng cao chất lượng của cơ quan thẩm tra văn bản dưới luật. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa cho doanh nghiệp, người dân giám sát.
“Quan trọng hơn, là phải có quy trình thủ tục thực sự cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, xử lý hồ sơ trên điện tử” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.