Tiết kiệm điện bằng hệ thống điều khiển từ xa
Ông Đặng Văn Nhã (Bình Phước) với thiết bị tiết kiệm điện từ xa
- Theo đó, chấn lưu 2 mức công suất là giải pháp thay thế cho giải pháp tắt bớt đèn. Đây cũng là giải pháp điều chỉnh quang thông cho phù hợp với nhu cầu chiếu sáng nhưng được lắp đặt để tiết kiệm điện năng cho từng bóng đèn. Chấn lưu 2 công suất kết hợp hệ thống điều khiển từ xa thông qua mạng thông tin di động hoặc mạng dây điện lực để theo dõi và cài đặt chế độ hoạt động của các thiết bị tiết kiệm điện từ trung tâm điều khiển.
Trước đó, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng đã chế tạo, thiết kế và lắp đặt hệ thống giám sát mạng lưới đèn chiếu sáng từ xa qua mạng thông tin, có thể tiết kiệm được 30% điện năng cho mạng lưới chiếu sáng đường phố mà vẫn an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Hệ thống này có bộ điều áp xoay chiều công suất 400W được thiết kế, chế tạo và lắp đặt theo sơ đồ định trước, có thể giảm công suất tiêu thụ cho từng đèn vào đêm khuya. Trong đó, phần tử điện tử công suất là TRIAC cho phép điều khiển hệ thống đơn giản bằng IC chuyên dụng TCA785 mà không cần sử dụng máy biến áp đồng pha cũng như máy biến áp xung. Qua mạng thông tin của hệ thống, trung tâm vận hành điện chiếu sáng biết rõ trạng thái hoạt động của từng đèn. Đặc biệt, nhờ các đèn được nối với trạm điều khiển khu vực có cổng truyền thông ETZ510, và mỗi đèn có có 1 địa chỉ IP khác nhau, nên cho phép người điều hành quan sát được trạng thái hoạt động của toàn bộ mạng chiếu sáng. Qua đó, họ vận hành theo chiến lược chiếu sáng tiết kiệm điện và hiệu quả đúng lập trình tự động. Thực tế, hệ thống này đã và đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Với chức năng ưu việt và tích hợp của công nghệ thông tin vào quá trình điểu khiển từ xa là giải pháp tối ưu hiện nay, giúp người tiêu dùng có thể thực hiện tiết kiệm điện từ mọi vị trí, mọi khoảng cách mà không nhất thiết phải thực hiện ngay tại nhà. |
Được biết, hiện TP. Hồ Chí Minh đã triển khai dự án điều khiển chiếu sáng toàn thành phố theo công nghệ này với hy vọng thu hồi vốn đầu tư nhanh chóng nhờ tiết kiệm được đáng kể điện năng.
Cũng với mục tiêu tiết kiệm điện, ông Đặng Văn Nhã, 59 tuổi (Bình Phước) đã chế tạo thành công mô hình đóng, mở mạch điện 220V bằng hệ thống điều khiển từ xa, giúp tiết kiệm công sức, thời gian và tiết kiệm điện cho người nông dân trong việc làm đồng. Đây là hệ thống chạy bằng pin điều khiển từ xa và sóng điện thoại di động.
Trên bảng hệ thống điều khiển từ xa, ông cho gắn một chiếc điện thoại di động (loại điện thoại robot) và được thêm một bộ xử lý, mô-tơ nhỏ dùng để đóng, mở nguồn điện, một chiếc điện thoại thứ 2 (có chức năng bấm gọi).
Về nguyên lý hoạt động, dùng điện thoại cá nhân bấm gọi vào số điện thoại được gắn trên bảng điều khiển thì hệ thống rung tác động vào bộ xử lý (lúc này bộ xử lý sẽ điều khiển mô-tơ chạy theo chiều thuận). Liên kết với mô-tơ là một bộ nhông giảm tua, trên bánh nhông cuối cùng, tác giả gắn một mẩu đinh cho nhô lên khoảng 5mm. Khi mô-tơ quay, gờ đinh này sẽ gạt đóng một công tắc nhỏ có tác dụng đóng mạch để cung cấp nguồn điện cho một công tắc tơ (công tắc tơ này có nhiệm vụ đóng nguồn cung cấp cho thiết bị sử dụng điện). Ngoài ra, hoạt động của máy là khi bấm lần gọi thứ nhất hệ thống sẽ mở mạch điện và ngược lại hệ thống sẽ đóng mạch điện.
Sáng tạo trên đã giúp những người làm vườn không phải mất công chạy về đóng, mở cầu dao điện, tiết kiệm thời gian.
Việt Anh