Tiếp tục siết chặt kiểm soát phế liệu nhập khẩu
Phế liệu tiếp tục đổ vào Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017 và trong những tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời cũng có hơn 2.000 container được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan.
Thời gian tới, phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng |
Cơ quan hải quan nhận định, thời gian tới, phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng do nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời, do một số quốc gia đã siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu, thậm chí cấm nhập khẩu một số loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Điển hình từ 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu (tăng từ 24 chủng loại năm 2018 lên 32 chủng loại). Cùng đó, dù được biết đến là quốc gia đứng đầu danh sách nhập khẩu phế liệu nhựa trên thế giới, nhưng từ năm 2019, Malaysia đã cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan hải quan đưa ra nhận định phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam và có khả năng xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ. Trong khi đó, các cảng biển vẫn còn tồn đọng một lượng lớn phế liệu chưa được giải phóng hết (các cảng Hải Phòng, Cát Lái, Thị Vải, Cái Mép vẫn còn tồn đọng khoảng 10.000 container, TP.HCM còn khoảng 3.000 container hàng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở các cảng biển lớn gặp nhiều khó khăn.
Siết chặt kiểm soát nhập khẩu phế liệu
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nhiều công văn, thông báo, chỉ thị (Công văn số 5290/VPCP-KTTH, Thông báo số 322/TB-VPCP, Thông báo số 281/TB-VPCP, Chỉ thị số 27/CT-TTg) chỉ đạo công tác quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 6/8/2018 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Bộ Công Thương cũng đưa ra danh sách 27 loại phế liệu bị tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu từ 20/12/2018 tại Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu. Tiếp đó, ngày 09 tháng 01 năm 2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BCT quy định cửa khẩu nhập khẩu phế liệu.
Cần tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý các tố chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu trái phép |
Nhằm siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu để bảo đảm môi trường, ngày 29/10/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hai Thông tư 08 và 09/2018/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Song song đó, cơ quan hải quan cũng đã đưa ra nhiều giải pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh đã phát hiện và xử lý nghiêm các phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu, như: Làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng,...
Được biết, năm 2018, Tổng cục Hải quan đã khởi tố 4 doanh nghiệp, Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Hải quan An Giang khởi tố 7 đối tượng liên quan đến hành vi nhập khẩu phế liệu trái phép.
Mới đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trung Thanh tại Đồng Tháp được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, trong đó, một giấy chứng nhận đã hết hạn vào ngày 19/12/2015 và giấy xác nhận còn lại được ký vào 11/3/2016. Như vậy, từ 20/12/2015 đến 10/3/2016, Công ty Trung Thanh không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, nhưng trong thời gian này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp vẫn ký một số văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để công ty này sử dụng làm hồ sơ nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), ngành Tài nguyên – Môi trường là cơ quan cấp các loại giấy tờ để doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhưng chưa làm hết trách nhiệm trong việc thẩm định tiêu chuẩn môi trường đối với từng lô hàng. Bên cạnh đó, phía cơ quan Tài nguyên – Môi trường yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu chỉ phải cung cấp cho hải quan các loại giấy tờ photocopy - đây là kẽ hở mà phía hải quan cho rằng rất dễ bị qua mặt.
Trước những bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ liên quan, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.
Với Bộ Tài chính, mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan, cũng đã có một số quy chế phối hợp song phương với các bộ, ngành, như: Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; quy chế phối hợp lực lượng giữa hải quan và cảnh sát biển; quy chế phối hợp hoạt động giữa hải quan và bộ đội biên phòng; quy chế phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Hải quan trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại;...
Để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu, hiện Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các cửa khẩu kiểm soát phế liệu nhập khẩu, nhằm tạo sự đồng bộ giữa các biện pháp để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận, không để khoảng trống quản lý trong công tác quản lý đối với phế liệu nhập khẩu.