Tiếp tục cải cách toàn diện chính sách thuế - hải quan
Tại hội nghị, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách, pháp luật về thuế, hải quan, cũng như các thay đổi về chính sách, những nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đánh giá, ngành thuế và ngành hải quan đã luôn đồng hành cùng cộng đồng DN, đồng thời đã đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, tại hội nghị, vẫn có rất nhiều kiến nghị từ phía các hiệp hội và DN đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế giải thích, làm rõ trong thực tiễn thực thi vẫn còn vướng mắc, gây khó khăn cho DN.
Đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), cho biết, theo qui định tại Thông tư 126/2020/TT-BTC, DN phải tạm tính lợi nhuận và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quyết toán năm trong quý 3 và phải nộp 75% trước 30/10 hàng năm. Qui định này bất cập ở chỗ, việc ước tính kết quả kinh doanh của năm vào thời điểm quý 3, là không thể chính xác. Trong khi đó, DN lại bị phạt tiền chậm nộp trên số ước tính này (nếu nộp thiếu 75% theo số ước tính theo thời hạn trên) gây khó khăn cho DN về dòng tiền, đặc biệt đối với các DN như UDIC hoạt động đặc thù trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, doanh thu và lợi nhuận thường chỉ được ghi nhận vào cuối năm.
Trả lời vấn đề UDIC đưa ra, ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: Đây là quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, sau khi Nghị định được ban hành, Tổng cục Thuế cũng đã nhận được nhiều ý kiến tương tự. Để giải quyết vấn đề này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tạm thời chưa thực hiện qui định xử phạt trong trường hợp số tạm nộp chậm của DN thấp hơn mức 75%. Về lâu dài, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định 126/2020/NĐ-CP đối với nội dung này cho phù hợp.
Đại diện Hiệp hội DN trẻ tỉnh Bắc Ninh cho biết, DN nhập khẩu mặt hàng giấy cách điện (craf) từ Đức về phục vụ sản xuất máy biến áp. Căn cứ vào biểu thuế ưu đãi nhập khẩu thể hiện rõ giấy cách điện craf mã HS thuế nhập khẩu ưu đãi 5%, DN đã áp mã HS như vậy. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan, đã áp mã HS khác với thuế nhập khẩu 15%, DN bị truy thu 10% thuế nhập khẩu. DN kiến nghị, Bộ Tài chính xem xét lại biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi giấy craf cách điện nhập khẩu.
Đại diện DN tại Bắc Ninh cũng phản ánh, tháng 2/2021, khi nhập khẩu phục vụ sản xuất với C/O điện tử, nhưng Chi cục Hải quan Tiên Sơn (Bắc Ninh) cho rằng, chữ ký điện tử của C/O phải xác minh. Trong thời gian xác minh, DN vẫn tạm nộp thuế nhập khẩu theo mức chưa được hưởng ưu đãi theo C/O. Đến tháng 12/2021 (sau 10 tháng), DN hỏi thì Chi cục Hải quan Tiên Sơn trả lời vẫn chưa có kết quả xác minh. Trong khi theo quy định, một thời gian nhất định, nếu C/O không có kết quả xác minh chữ ký điện tử, thì sẽ không có hiệu lực, DN sẽ không được hưởng ưu đãi.
Trả lời thắc mắc của DN, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết: Khi kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan cho rằng, loại giấy craf cách điện này có lớp tráng phủ làm từ xenluylô, nên không áp mã 5% mà phải áp mã 15%. Ông Thành ghi nhận ý kiến của DN, và cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ để trả lời cụ thể DN. Bởi việc xem xét áp mã HS cần phải căn cứ vào các tài liệu kỹ thuật, kết quả phân tích phân loại và giám định hàng hóa đó.
Việc phải xác minh chữ ký điện tử, đến nay, cơ quan hải quan đã giảm tối đa việc xác minh C/O từ nước ngoài, do đã có kết nối hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử về C/O, giải thích rõ một số khác biệt nhỏ trên các C/O sẽ được chấp nhận không cần xác minh. Trong trường hợp phải xác minh, khi gửi xác minh C/O cho bên nước ngoài, cơ quan hải quan cũng sẽ đồng thời gửi thông báo cho DN để đối tác xuất khẩu hàng hóa thúc các cơ quan chức năng sở tại giải quyết. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, một số DN nước ngoài sau khi xuất khẩu hàng hóa cho DN Việt Nam, họ không có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết.
Liên quan đến vướng mắc về áp mã HS và xác minh C/O, lãnh đạo Bộ Tài chính điều hành hội nghị, đã yêu cầu Tổng cục Hải quan phải trả lời rõ ràng việc xác minh C/O thì đã gửi đi chưa, nếu gửi rồi thì tại sao chưa có kết quả; việc áp mã HS giấy craf 15% cũng phải trả lời rõ ràng, cụ thể cho DN biết cơ sở để áp ngay trong tháng 12 này và báo cáo kết quả về Bộ Tài chính.
Ngoài các ý kiến trực tiếp tại hội nghị, hàng trăm kiến nghị khác cũng đã được DN, hiệp hội DN gửi tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế đề nghị được giải đáp và tháo gỡ.
Bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Chính phủ luôn ưu tiên chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, trong đó có lĩnh vực thuế và hải quan. Đại dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá các chính đã thực hiện thuộc chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách, giải pháp mới để hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng DN phát triển. Đồng thời, sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ mọi mặt công tác của ngành tài chính theo hướng toàn diện, hiệu quả, nhất là đối với lĩnh vực thuế và hải quan có liên quan trực tiếp đến các DN, qua đó tạo thuận lợi cho người dân, DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được các phản hồi, kiến nghị từ phía DN để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới.