Thứ bảy 21/12/2024 16:03

Tiếp lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô

Đây là đề xuất của các chuyên gia tại hội thảo mới đây tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghiệp ô tô của một số quốc gia, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị cho Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2015, cả nước đã có trên 400 doanh nghiệp tham gia sản xuất ô tô với quy mô vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp ráp thiết kế đạt khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được những kết quả phát triển bước đầu quan trọng, cung cấp được một số phụ tùng, linh kiện, thiết bị đáp ứng một phần nhu cầu cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đã có một số sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô thị trường ô tô Việt Nam đang rất nhỏ bé so với các nước ngay trong khu vực ASEAN và thị trường ô tô lại biến động thường xuyên do những thay đổi liên quan đến thuế phí, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn. Dễ nhận thấy nhất là công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn...

HIện một khó khăn được xem là cái vòng luẩn quẩn của công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam là chi phí sản xuất phụ tùng linh kiện quá cao. Như đã nói ở trên, do quy mô thị trường nhỏ nên xét về chi phí cố định (khuôn, đồ gá) cộng với chí phí khả biến (gồm chi phí vật liệu, nhân công, gia công) tuy xấp xỉ bằng Thái Lan nhưng trên thực tế khấu hao đầu tư của Việt Nam lớn hơn Thái Lan. Thành thử chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn. Để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất buộc phải nhập khẩu. Đã nhập khẩu phần lớn linh kiện nên các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải “cõng” thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu. Một số chuyên gia phân tích, xe nhập khẩu tư Thái Lan đã bao gồm chi phí đóng gói và vận chuyển vẫn thấp hơn xe được sản xuất tại Việt Nam ngay cả khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018.

Như vậy hai cái nút thắt cản trở ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam chính là chi phí sản xuất xe ô tô trong nước cao hơn ô tô nhập khẩu và từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN sẽ về 0% trong khi thuế linh kiện vẫn còn. Nếu không sớm được tháo gỡ, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng và công nghiệp ô tô nói chung của Việt Nam sẽ khó lòng tồn tại được chứ chưa nói đến chuyện cạnh tranh.

Kinh nghiệm của 4 trong số 5 quốc gia ASEAN có ngành công nghiệp ô tô cho thấy đều đưa ra được chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Chẳng hạn Thái Lan xác định sau 5 năm phải đạt mức 100.000 xe/năm, Indonesia xác định phải nội địa hóa được động cơ và bộ truyền động, Philippines xác định nội địa hóa được thân vỏ xe và chi tiết nhựa lớn. Đặc biệt các nước này đã đưa ra được các hỗ trợ cho sản xuất ô tô trong nước như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30 xuống 17% (Thái Lan), 30 xuống 10% (Indonesia), nội địa hóa càng nhiều, thuế tiêu thụ đặc biệt càng giảm (Malaysia), 1.000 USD/xe (Philippines). Trong khi đó Việt Nam mặc dù đã có được quy hoạch ngành công nghiệp ô tô và kế hoạch hành động song chính sách hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước chưa được rõ ràng và cụ thể.

Theo các chuyên gia, để tiếp lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam, trong phát triển thị trường, liên quan đến chính sách thuế, hai yếu tố cần được đặc biệt quan tâm là ổn định và đồng bộ. Về hỗ trợ sản xuất, trong ngắn hạn, cần giảm hoặc tiến tới bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhằm giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe trong nước và xe nhập khẩu. Cần đưa ra được ưu đãi sản xuất với các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước khi thị trường còn chưa đủ lớn. Trong dài hạn cần có các hỗ trợ nội địa hóa cho cả nhà sản xuất xe và nhà cung ứng nhằm cắt giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.

Quang Lộc

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh loạt xe đặc chủng của Bộ Công an

Chuyên gia vũ khí quốc tế nói gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Chính sách công nghiệp cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế trọng điểm

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam: Tự hào với dàn UAV, tàu quân sự, vũ khí made in Việt Nam

Vinachem thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia đảm bảo sản xuất xanh, bền vững

Sản phẩm thông tin quân sự của Việt Nam sẵn sàng kinh doanh tại Malaysia

Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng

Viettel đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh TP-150 - máy bay Việt chất lượng quốc tế

Mỹ đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Cục Công nghiệp và Toyota hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương: Hiện thực hóa các mục tiêu tại Kế hoạch hành động CBRN

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Tập đoàn Airbus tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Tăng cường quản lý hoạt động hoá chất có trọng tâm, trọng điểm

Phát triển bền vững - xu hướng nổi trội của ngành dệt may trong năm 2025

Việt Nam có tài sản quý để tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không

Doanh nghiệp công nghiệp vào ‘guồng’ sản xuất, tích cực ‘đón sóng’ cuối năm

Phát triển bền vững: Doanh nghiệp da giày đối mặt 5 thách thức lớn