Thương vụ Việt Nam tại Indonesia: Thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững trong bối cảnh Indonesia tự chủ lương thực
Chiều ngày 19/12 (theo giờ Nhật Bản), tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Hội nghị do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...
Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực châu Á - châu Phi năm 2024 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. |
Tham gia tham luận tại Hội nghị, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã chia sẻ về thị trường gạo Indonesia với chủ đề “Thị trường gạo Indonesia: Thách thức và giải pháp khiến nghị thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững trong bối cảnh Indonesia thực hiện chiến lược tự chủ lương thực dưới thời tân Tổng thống Probowo Subianto”.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phát biểu tại Hội nghị. |
Indonesia: Thị trường gạo tiềm năng với những đặc thù riêng
Gạo là lương thực chủ yếu của người dân Indonesia với mức tiêu thụ bình quân cao và nhu cầu ngày càng tăng cao. Thị trường này mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công tại thị trường này, các doanh nghiệp cần nắm rõ những đặc điểm và thách thức riêng biệt.
Với người dân Indonesia, 98,35% hộ gia đình Indonesia sử dụng gạo hàng ngày, với mức tiêu thụ bình quân 6,81 kg/người/tháng tương đương với 82,87 kg/năm. Trong đó, người dân thành thị tiêu dùng 6,37 kg/người/tháng và người dân nông thôn là 7,41 kg/tháng. Loại gạo được đại đa số người dân lao động Indonesia sử dụng phổ biến là gạo hạt dài, cơm khô và cứng. Tầng lớp trung lưu (khoảng gần 50 triệu người) sử dụng các loại gạo có phẩm cấp cao hơn là gạo thơm hạt dài 5% tấm và một ít gạo Japonica. Gạo nếp cũng thường được người dân Indonesia sử dụng để chế biến các món bánh truyền thống. Việc sử dụng gạo hữu cơ, gạo chuyên dành cho một số nhóm người bệnh cũng đang có xu hướng gia tăng.
Đại diện các Cục, Vụ, Tổng cục... đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tham dự Hội nghị. |
Bên cạnh đó, Indonesia cũng có nhu cầu khá cao đối với các loại sản phẩm chế biến từ gạo như bánh gạo, bún khô, bánh phở khô, bánh tráng (bánh đa nem)… Tại Indonesia, gạo là mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý giá để hỗ trợ kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước ấn định giá bán lẻ cao nhất. Khi nhà nước can thiệp bình ổn giá gạo thị trường, gạo do nhà nước cung cấp luôn có giá thấp hơn hoặc bằng giá bán lẻ cao nhất. Kênh phân phối bán gạo tại thị trường Indonesia có nhiều khâu trung gian trước khi gạo được bán cho người tiêu dùng, khiến cho giá bán gạo cao, thị trường gạo dễ bị lũng đoạn khi có các biến động về sản xuất, nhập khẩu.
Đối với gạo sản xuất trong nước, nông dân bán thóc cho thương lái mua thu gom, các thương lái bán thóc cho các nhà máy xay xát, các nhà máy xay xát bán gạo cho các chủ buôn/đầu mối lớn sau đó các chủ buôn lớn/đầu mối này bán cho các đầu mối bán buôn tại các tỉnh/thành. Tiếp đó, các đầu mối buôn các tỉnh/thành bán cho các cửa hàng bán lẻ để bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Đối với gạo nhập khẩu bởi cơ quan hậu cần quốc gia Preum-Bulog cho mục đích bình ổn giá thị trường, sẽ được phân phối qua mạng lưới phân phối của Perum BULOG bao gồm các chợ truyền thống, siêu thị, sàn thương mại điện tử, và các điểm phân phối bán hàng của Perum BULOG như BOSS Food và Rumah Pangan Kita (RPK) với 19.500 điểm bán tại khắp các tỉnh, thành phố của Indonesia.
Mục đích của việc này là đảm bảo gạo có giá phải chăng cho mọi tầng lớp xã hội. Đối với gạo thương mại nhập khẩu mô hình phân phối sẽ là công ty nhập khẩu-nhà phân phối bán buôn lớn-nhà phân phối bán buôn tại các tỉnh/thành phối-nhà bán lẻ-người tiêu dùng cuối cùng. Nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, Indonesia có chính sách quản lý gạo nhập khẩu khá chặt chẽ theo cơ chế cấp phép và giới hạn chủng loại gạo được phép nhập khẩu. Trong điều kiện bình thường, các loại gạo được phép nhập khẩu theo kênh thương mại thông thường chỉ là là những loại gạo trong nước không sản xuất hoặc chưa thể đáp ứng như gạo lượng cao 0-5% tấm: Japonica, Homali, Basmati, gạo dành cho những người bệnh tiểu đường và gạo 100% tấm phục vụ sản xuất công nghiệp.
Tại thị trường Indonesia, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo chủ yếu từ 04 nước: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar trong đó gạo Thái Lan là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, cùng phân khúc với gạo Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu dùng cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, phân khúc gạo non-basmati của Ấn Độ chiếm tỷ trọng nhỏ tại Indonesia. Gạo Thái lan luôn chiếm thị phần số 1 tại Indonesia tiếp đó là gạo Việt Nam, tuy nhiên trong 05 năm trở lại đây, mức chênh lệch thị phần giữa gạo Thái Lan và Việt Nam không lớn, mức chênh cao nhất năm 2023 chỉ là 7,6 % trong đó gạo Thái lan chiếm thị phần 45,11% và Việt Nam là 37,47%. Tuy nhiên, sự hiện diện thương hiệu gạo Thái Lan rõ nét hơn trong hệ thống siêu thị của Indonesia so với gạo Việt Nam và cần phải có sự nỗ lực quảng bá, xúc tiến gạo Việt Nam hơn nữa.
Từ năm 2022 - 2024, sản xuất lúa gạo của Indonesia ghi nhận sự tương đối ổn định về diện tích canh tác và sản lượng. Diện tích trồng lúa trong giai đoạn 2022-2024 tương ứng là 10,45-10,20 và 10,05 triệu ha với sản lượng tương ứng là: 31,54-30,89 và 30,34 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ bình khoảng 31 triệu tấn/năm. Do tình hình sản xuất không thuận lợi, Indonesia phải nhập khẩu gạo với số lượng lớn trong năm 2023 và 2024. Năm 2023 Indonesia đã nhập khẩu tới 3,06 triệu tấn gạo với trị giá 1,79 tỷ USD. Trong năm 2024, tổng hạn ngạch nhập khẩu cả năm là 3,6 triệu tấn, theo Cơ quan hậu cần quốc gia Bulog, tính đến hết ngày 17/11/2024, cơ quan này đã thực hiện thu mua nhập khẩu 3.559.793 tấn gạo trong tổng hạn ngạch của năm là 3.6 triệu tấn. Trong đó, tổng lượng đã về tới Indonesia là 3.034.785 tấn. Theo cơ quan thống kê Indonesia, tổng lượng gạo nhập khẩu 10 tháng/2024 của nước này là 3,48 triệu tấn, với trị giá 2,15 tỷ USD. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1.130.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị. Căn cứ vào tình hình sản xuất và dự trữ lương thực, tại phiên họp nội các Chính phủ ngày 02/12/2024.
Tổng thống Indonesia Prabovo Subianto đã có tuyên bố đáng chú ý về khả năng nước này sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2025: “Đã có thông tin đáng khích lệ, sản xuất lương thực của chúng ta đã tăng. Gạo dự trữ hiện có trong kho đang là lớn nhất từ trước tới nay dật xấp xỉ 2 triệu tấn. Và rất có thể rằng và tôi chắc rằng trong năm 2025 chúng ta không phải nhập khẩu gạo nữa. Gạo dự trữ của chúng ta đã đủ”.
“Tổng lượng gạo tồn kho của chúng ta vào cuối tháng 12/2024 là lớn nhất trong 5 năm qua. Gạo dự trữ tại Bulog vào khoảng 2 triệu tấn, cụ thể là 1.948.000 tấn. Lượng gạo tồn trong cộng đồng là hơn 6 triệu tấn. Như vậy chúng ta có tổng lượng tồn là hơn 8 triệu tấn”, Bộ trưởng Bộ điều phối Lương thực Indonesia Zulhas cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng điều phối cũng có thêm tuyên bố đáng lưu ý: “Trong năm 2025, hy vọng, nhập khẩu năm tới sẽ không nhiều như năm 2024, và thậm chí nếu có nhập khẩu, sẽ là một lượng nhỏ”. Tuyên bố của Tổng thống Prabovo Subianto được đưa ra khi sản xuất lượng thực nước này cuối năm 2024 thuận lợi, lượng gạo tồn kho tăng cao và mang tính chính trị cao. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết mùa vụ, vì vậy việc Indonesia có phải nhập khẩu gạo trong năm 2025 phụ thuộc rất lớn vào tình hình thời tiết trong năm 2025 cũng như các công tác chuẩn bị cho mùa vụ sản xuất như giống, phân bốn, đảm bảo nước tưới… của Chính phủ và nông dân. Tuyên bố của Bộ trưởng Điều phối lương thực Zulhas vẫn để ngỏ khả năng nước này vẫn nhập khẩu gạo nhưng với số lượng nhỏ, phản ánh đúng hơn thực trạng sản xuất lúa gạo của Indonesia. Tính chính xác về số liệu thống kê trong sản xuất lúa gạo của nước này vẫn luôn bị dư luận nghi ngờ. Theo kế hoạch trong năm 2025, Indonesia đề kế hoạch sản xuất 32 triệu tấn gạo, cao hơn năm 2024 là 1,66 triệu tấn và tổng nhu cầu cho tiêu dùng cả nước là 31 triệu tấn. Cho đến nay, Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu gạo cho các tháng đầu năm 2025.
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/10/2024, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã khẳng định quyết tâm đưa nước này trở thành một quốc gia tự chủ về lương thực trong thời gian ngắn nhất. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực để đối phó với các khủng hoảng và biến động trên thế giới.
“Indonesia phải ngay lập tức đạt được sự tự chủ về lương thực trong thời gian ngắn nhất có thể. Chúng ta không được phép phụ thuộc vào nguồn lương thực từ bên ngoài. Khi có khủng hoảng xảy ra, không có nước nào sẽ bán lương thực cho chúng ta. Vì vậy, không có cách nào khác chúng ta phải tự đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian sớm nhất”. Tổng thống Pravo Subianto cam kết Indonesia sẽ tự chủ được lương thực trong 4-5 năm tới và sẽ trở thành vựa lương thực của thế giới. Phát biểu này cho thấy nông nghiệp và an ninh lương thực sẽ rất được chính phủ nước này chú trọng thúc đẩy trong nhiệm kỳ Tổng thống Pravo Subianto.
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Andi Amran Sulaiman, đã có những tuyên bố các giải pháp để hiện thực hóa chiến lược tự chủ lương thực của nước này, theo đó Indonesia sẽ: Ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực để đạt được mục tiêu sản xuất lúa gạo hàng năm; vừa thực hiện đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất kết hợp quảng cảnh mở rộng diện tích trồng lúa. Để thực hiện thâm canh, Indonesia sẽ tập trung chú trọng phát triển, cung ứng nguồn giống có chất lượng, đảm bảo nguồn phân bón chất lượng đầy đủ cũng như phân bón trợ cấp, xây dựng cải tạo hệ thống bơm tưới tiêu tại các trung tâm sản xuất lúa gạo. Để gia tăng diện tích trồng lúa, Indonesia phấn đấu có thêm 3 triệu ha đất lúa mới tại nhiều vùng trên cả nước: 01 triệu ha đất tại tỉnh Trung Kalimantan; 500.000 ha tại tỉnh South Kalimantan, 300.000 ha tại South Sumatra và tại nhiều khu vực khác như West Kalimantan, East Kalimantan, Aceh, và North Sumatra.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang tập trung cải tạo 360.000 ha đầm lầy để chuyển sang trồng lúa; thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút các thế hệ Millenium và Gen Z tham gia vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại; các chính sách khuyến khích nông dân trồng lúa khác như đảm bảo thu mua đầu ra với giá cả đảm bảo cho người trồng lúa có lãi; hỗ trợ khuyến khích nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp; thực hiện cơ cấu lại tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Cơ quan hậu cần quốc gia Preum Bulog.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia: Cơ hội và thách thức
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023, 2024 sang thị trường Indonesia gặp nhiều thuận lợi do sản xuất tại Indonesia không thuận lợi do các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Indonesia, nguồn cung thế giới thiếu hụt, các nước có nhu cầu gia tăng dự trữ lúa gạo ứng phó với hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, sự thuận lợi này chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ giảm bớt khi có thời tiết thuận lợi cho sản xuất lúa gạo tại Indonesia.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Indonesia khi gạo Việt luôn nằm trong những nước cung cấp gạo hàng đầu cho thị trường Indonesia cũng như một số lợi thế khác: Chất lượng phù hợp với người tiêu dùng Indonesia, khoảng cách địa lý gần, thời gian cung ứng nhanh và giảm chi phí logistics; nguồn cung gạo Việt Nam lớn, ổn định có khả ăng đáp ứng số lượng, nhu cầu lớn của Indonesia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thương vụ, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong thời gian tới tại thị trường Indonesia đó là: Chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước, duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo khiến nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ có xu hướng sụt giảm. Chính sách này đã thể hiện rõ thông qua việc Cơ quan hậu cần quốc gia trong hơn 3 năm (2019-2022) đã không nhập khẩu gạo phục vụ dự trữ quốc gia. Toàn bộ gạo dự trữ thu mua từ trong nước; Chính phủ Indonesia ngày càng chú trọng thúc đẩy trồng lúa gạo thông qua việc xây dựng các vùng lúa chuyên canh tập trung và đặc biệt đang có kế hoạch thúc đẩy gia tăng thêm diện tích trồng lúa; phát triển mở rộng hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm nhiều hồ chứa tích nước phục vụ tưới tiêu trồng lúa gạo; khiến cho sản lượng lúa gạo của Indonesia sẽ gia tăng, dẫn tới nhu cầu gạo nhập khẩu sụt giảm; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa gạo Thái Lan và Việt Nam ở cùng phân khúc gạo trong bối cảnh nhu cầu gạo nhập khẩu gạo của Indonesia sụt giảm; nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái Lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng.
Để gạo xuất khẩu Việt nam duy trì xuất khẩu bền vững, gia tăng củng cố hơn nữa vị thế gạo của Việt Nam trong bối cảnh Indonesia chưa có nhiều giống lúa chất lượng thì Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, định hướng tập trung thúc đẩy phân khúc gạo thơm hạt dài cao cấp, gạo nếp, gạo japonica đa dạng hóa các chủng loại gạo (như gạo hữu cơ); đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, cũng cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo (bún khô, bánh gạo kiểu Hàn Quốc, bánh đa nem (bánh tráng), bánh phở khô, bánh đa gạo khô) vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần luôn đảm bảo chất lượng gạo, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch. Đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế. Cơ hội tìm kiếm các thương nhân có đủ điều kiện nhập khẩu của Indonesia không nhiều.
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam (gạo cao cấp ST25 của Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi tại Indonesia). Sử dụng nhiều kênh, nhiều hình thức quảng bá xúc tiến (tham gia hội chợ nông sản, thực phẩm, sử dụng các doanh nghiệp Việt kiều quảng bá và bán sản phẩm gạo của Việt Nam, định kỳ tổ chức các festival lúa gạo quốc tại Việt Nam, tăng cường quảng bá thông qua các nền tảng mạng xã hội youtube, tiktok)... Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Indonesia để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam tại thị trường Indonesia.
Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tập trung cho xuất khẩu. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa để duy trì ổn định sản xuất lúa gạo, hỗ trợ cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam và định kỳ tổ chức Festival lúa gạo quốc tế.
Đối với Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Thương vụ sẽ luôn theo dõi sát thông tin về thị trường, nhu cầu, những diễn biến thực tế tại địa bàn, đặc biệt mọi động thái hoặc sự thay đổi chính sách của chính quyền nước sở tại để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để có phương án ứng phó phù hợp, giữ ổn định hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trong đó có mặt hàng gạo thông qua các hội chợ, triển lãm và các hoạt động quảng bá khác; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, giải quyết, tháo gỡ những tranh chấp, vướng mắc giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với các đối tác nếu có.