Thường vụ Quốc hội biểu quyết thành lập thị xã Chơn Thành và thị trấn Bình Phú
Sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 dự thảo Nghị quyết về: Thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/8 |
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở nguyên trạng xã Bình Phú với diện tích 19,07 km và dân số trên 18.500 người.
Sau khi thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên (2.556,36 km2), dân số (1.779.416 người) và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng tăng 1 thị trấn (thị trấn Bình Phú), giảm 1 xã (xã Bình Phú); có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Mỹ Tho, 2 thị xã (Cai Lậy, Gò Công) và 8 huyện; 172 đom vị hành chính cấp xã, gồm: 142 xã, 22 phường và 8 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 15,31%.
Huyện Cai Lậy sau khi thành lập thị trấn Bình Phú không thay đổi về diện tích tự nhiên (294,83 km2), quy mô dân số (211.059 người) và số đơn vị hành chính cấp xà nhưng có chuyển 01 xã thành thị trấn, từ 16 xã thành 15 xã và 1 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 8,77%.
Về hồ sơ, thủ tục, tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo huyện Cai Lậy tổ chức lấy ý kiến cử tri của xã Bình Phú về phương án thành lập thị trấn và 100% cử tri của xã Bình Phú đã đồng thuận. Đề án thành lập thị trấn Bình Phú cũng đã được 100% đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang, HĐND huyện Cai Lậy và HĐND xã Bình Phú có mặt biểu quyết tán thành.
Trong khi đó, thị xã Chơn Thành tỉnh Bình Phước được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người của huyện Chơn Thành. Thành lập 5 phường Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long Minh Thành thuộc thị xã Chơn Thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Chơn Thành và 4 xã Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc huyện Chơn Thành.
Sau khi thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước không thay đổi về diện tích tự nhiên (6.873,56 km2), dân số (1.030.098 người) và có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Đồng Xoài, 3 thị xã (Bình Long, Phước Long, Chơn Thành) và 7 huyện; 111 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 86 xã, 20 phường và 5 thị trấn). Tỉ lệ đô thị hóa đạt 30,80%.
Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người; có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành) và 4 xã (Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập, Quang Minh). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 78,31%.
Về hồ sơ, tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo huyện Chơn Thành tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các địa bàn có liên quan về phưong án thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chon Thành và được đa số cử tri đồng thuận.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang; và thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cùng các phường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, về cơ bản đều đạt các tiêu chí, chỉ tiêu.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu cũng đồng tình song lưu ý trong sáp nhập đơn vị hành chính và hình thành tổ chức đơn vị hành chính tại các đơn vị sau sáp nhập cần quan tâm đến tổ chức bộ máy biên chế trên địa bàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang; và thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cùng các phường đã làm từ năm 2019. Đến nay hồ sơ đã kỹ càng, nhiều số liệu được cập nhật sát với Nghị quyết 06 về vấn đề đô thị. Do đó đồng tình với việc ban hành Nghị quyết thành lập như theo đề nghị của Chính phủ.
Kết luận phiên họp, qua xem xét hồ sơ trình tự, các tiêu chuẩn điều kiện thành lập, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang; và thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cùng các phường đều đạt tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo 2 tỉnh lưu ý thực hiện tốt kế hoạch sau khi thông qua 2 nghị quyết để tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó cần quan tâm tới việc điều chỉnh các thủ tịch hành chính, giấy tờ con dấu, xử lý vướng mắc những phát sinh trong thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, trong thực hiện Nghị quyết 06 về đô thị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành rà soát các huyện chưa có thị trận, huyện lỵ cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ hoàn chỉnh thủ tục, đảm bảo sớm 100% các huyện trên cả nước đều có thị trấn, huyện lỵ.
Với 100% ý kiến tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết về việc: Thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; và thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cùng các phường. |