Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng
Báo cáo tại Hội nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho biết sau 19 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Quốc hội đã cho ý kiến nhiều luật, dự án luật. Xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng như thông qua các nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Quốc hội đã tiến hành xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á….
Các cử tri thành phố Đà Nẵng đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV |
Cử tri thành phố Đà Nẵng đánh giá cao các kết quả mà Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã đạt được. Cử tri Nguyễn Trí Tổng (Phường Thanh Bình, Hải Châu) nhận thấy kỳ họp thứ 3 có đổi mới, sáng tạo, làm việc nghiêm túc, trí tuệ. Chọn vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn sát thực tế.
Tại Hội nghị, các cử tri thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị đến Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng các vấn đề liên quan đến giáo dục (giá sách giáo khoa tăng và độc quyền sách giáo khoa, bức xúc vì môn học Lịch sử là môn tự chọn); giá xăng dầu, hàng hóa tăng; kiến nghị liên quan đến đầu tư công; góp ý liên quan đến Bộ Luật hình sự, Luật thi đua khen thưởng…
Đặc biệt, cử tri rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng. Cử tri Nguyễn Trí Tổng cho rằng: cần có cơ chế truy cứu, xử phạt nghiêm hơn về vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong khâu kê khai tài sản và kê biên tài sản tham nhũng. Cử tri Hoàng Cảnh Mẫn (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đề nghị công tác chống tham nhũng, tiêu cực phải quyết liệt hơn nữa, tiêu biểu như là chống tiêu cực trong độc quyền nâng giá sách giáo khoa, tham nhũng chính sách.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng trăn trở về vấn nạn tham nhũng và cho rằng cơ chế xử lý nghiêm hơn trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kê biên tài sản tham nhũng |
Thông tin về vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường, tập trung chỉ đạo ngày càng quyết liệt hơn, tạo chuyển biến rõ hơn, phạm vi mở rộng hơn. Từ việc chỉ thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì hiện nay đã thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh thành với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong giải quyết vấn nạn tham nhũng và tiêu cực.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, để phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả phải tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực với quyết tâm chính trị cao; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng không nghỉ. "Tham nhũng gắn liền với quyền lực, có quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực. Chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên trì làm ngày một mạnh hơn, ngày một quyết tâm hơn. Ví dụ như những vụ án liên quan đến Việt Á, FLC, các vụ việc khác ở các địa phương xử rất nhanh", đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết trong thời gian tới Trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng |
Trong thời gian tới, Trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng (quy chế, quy định pháp luật phải chặt chẽ), không dám tham nhũng (phải xử nặng, xử theo đúng quy định, đúng tội). Hoàn thiện thể chế để bịt các lỗ hổng về pháp luật. Thời gian qua có những vụ án vụ việc tiêu cực có nguyên nhân từ lợi dụng sơ hở của pháp luật. Theo Thường trực Ban Bí thư, có những sơ hở do nhận thức của quá trình làm luật; không loại trừ sự cố tình cấu kết với nhau để tạo sự sơ hở đó. “Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng không có tham nhũng chính sách. Nhưng, trong những vụ việc thời gian vừa qua cho thấy rõ sự cấu kết giữa các doanh nghiệp, người bên ngoài với những thành viên có chức, có quyền trong bộ máy, từ khâu ban hành cơ chế chính sách”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói và viện dẫn vụ việc như phát hiện xe sang biếu tặng để lách luật, trốn thuế.
Đối với vấn đề kê biên tài sản, trong thời gian qua, Đảng rất coi trọng việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng và kết quả thu hồi cũng cao hơn trước đây. “Khi khởi tố những vụ án liên quan có đánh giá ban đầu là gây thất thoát tài sản nhà nước có yếu tố tham nhũng tiêu cực là kê biên tài sản ngay”, đồng chí Võ Văn Thưởng cho hay.
Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng còn chia sẻ một số nội dung liên quan đến vấn đề môn học lịch sử; vấn đề sửa đổi, hoàn thiện Luật đất đai….
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Ngày 30/6, Bộ Chính trị sẽ có Hội nghị về đánh giá 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực; và xác định quyết tâm chính trị cũng như những biện pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới để phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Tổng Bí thư – Trưởng Ban chỉ đạo về Phòng chống tiêu cực sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, mạnh mẽ, quyết liệt đối với công tác này. |