Thương mại - dịch vụ các tỉnh, thành phố phía Nam: Hồi phục mạnh mẽ
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng gần đây đã cơ bản được hồi phục. Ông Trương Văn Thôi - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh BRVT - cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2020 đạt 5.873,3 tỷ đồng, tăng 2,44% so với tháng 10 và tăng 13,1% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 54.253 tỷ đồng, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 37.912 tỷ đồng, tăng 8,28%; dịch vụ đạt 5.655 tỷ đồng, giảm 1,92%; lưu trú, ăn uống đạt 10.685 tỷ đồng, giảm 12,55% so với cùng kỳ năm trước. “Trước tình hình dịch bệnh và mưa lũ, tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống trên địa bàn BRVT, đều bảo đảm nguồn cung, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cơ bản ổn định” – ông Thôi cho hay.
Nguồn cung, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cơ bản ổn định |
Tại các tỉnh phía Nam, hoạt động thương mại - dịch vụ đang trên đà hồi phục, trong đó, nhiều địa phương đã có mức tăng trưởng về doanh thu. Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận - cho biết, lượng khách du lịch đến lưu trú tại Bình Thuận trong tháng 11 đã tăng 4,74% so với tháng 10, đạt 411.900 lượt khách, nhưng giảm 31,67% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3.400 lượt khách, tăng 2,58% so với tháng 10 nhưng giảm 95,26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Bình Thuận chủ yếu dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác trong cả nước.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tháng 11/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa vàdoanh thu dịch vụ của thành phố ước đạt 116.271 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng 10 và giảm 4,1% so với tháng cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 73.912 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng 10 và tăng 3,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt 8.263 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng 10 và giảm 21,8% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng của năm 2020 tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch đề ra…
Nguyên nhân doanh thu thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố tăng nhẹ do chuẩn bị vào dịp mua sắm cuối năm, các đơn vị kinh doanh truyền thống, thương mại điện tử thực hiện nhiều chương trình kích cầu mua sắm trong các ngày lễ như Black Friday, Ngày Nhà giáo Việt Nam… Vào thời điểm này, hoạt động mua sắm tại chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã được khôi phục lại bình thường.
Thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nguồn hàng cung ứng cho thị trường dịp cuối năm nay dồi dào, không ít nhà sản xuất đang lo sức mua thấp do dịch Covid-19 đã tái xuất hiện. Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty Ba Huân - cho rằng, từ nay đến cuối năm, mỗi ngày, công ty cung ứng ra thị trường hơn 1 triệu quả trứng gia cầm và hàng trăm tấn thực phẩm chế biến. Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, Ba Huân còn mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn giá để phục vụ người tiêu dùng ở vùng xa, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.